1. Giới thiệu bệnh viêm da cơ địa (Chàm)
Viêm da cơ địa là bệnh da rất hay gặp; Bệnh xuất hiện mọi lứa tuổi, bệnh thường gặp ở trẻ em. Tiến triển của bệnh rất dai dẳng và có thể kéo dài tới tuổi trưởng thành, viêm da cơ địa thay đổi theo từng giai đoạn, từng thời kỳ và lứa tuổi.
Thương tổn cơ bản của viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ; Là ở trán, má, tay, chân đối xứng. Ỏ trẻ lớn và người lớn là các sẩn, mảng da dày, lichen hóa, rất ngứa.
Điều đặc biệt là bệnh thường liên quan tới yếu tố cơ địa, tiền sử các bệnh dị ứng như hen phế quản, mày đay, viêm da tiếp xúc,… Vì vậy điều trị vẫn gặp nhiều khó khăn.
Cho đến nay người ta vẫn chưa biết một cách rõ ràng về căn nguyên và cơ chế bệnh sinh của viêm da cơ địa. Tuy nhiên qua nhiều nghiên cứu gần đây, đa số các tác giả cho rằng, sự kết hợp của một cơ địa dị ứng với những tác nhân kích thích bên trong hay bên ngoài cơ thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh.
Yếu tố di truyền; bệnh viêm da cơ địa có liên quan tới 40 “gen”. Đặc biệt là nhóm “gen” trên nhiễm sắc thể 1q21. “Gen” này điều hòa cấu trúc thượng bì.
Rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch [1], [2], [3].
2. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm da cơ địa (Chàm)
* Bệnh viêm da cơ địa có các biểu hiện khác nhau tùy theo tuổi:
- Viêm da cơ địa ở trẻ em:
+ Thường là viêm da cơ địa nhũ nhi chuyển sang.
+ Thương tổn là các sẩn đỏ, vết trợt, da dày, mụn nước khu trú hay lan tỏa cấp tính kèm theo nhiễm khuẩn thứ phát.
+ Vị trí hay gặp nhất là ở khoeo, nếp gấp khuỷu tay, mi mắt, 2 bên cổ, cẳng tay, ở cổ có sạm da mạng lưới, ít khi mặt duỗi các chi.
+ Bệnh thường cấp tính khi trẻ tiếp xúc với lông động vật, gia cầm, mặt đồ len, da, hay ăn thức ăn.
+ 50% tự khỏi khi trẻ được 10 tuổi.
- Viêm da cơ địa thanh thiếu niên và người lớn:
+ Biểu hiện là mụn nước, sẩn đỏ vẹt, có vùng da mỏng trên mảng da dày, lichen hóa, ngứa.
+ Vị trí hay gặp, nếp gấp khuỷu, khoeo, cổ, rốn, vùng da quanh mắt với thanh thiếu niên.
+ Viêm da lòng bàn tay, tính đối xứng 2 bên, thường là viêm da cơ địa ở người lớn.
+ Tiến triển mạn tính, ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố dị nguyên, môi trường sống, tâm sinh lý của người bệnh.* Các biểu hiện khác của viêm da cơ địa: Khô da, da cá, dày da lòng bàn tay, bàn chân, dày sừng nang lông, viêm môi bong vảy và chứng da vẽ nổi [1], [2], [3].
3. Dự phòng và điều trị viêm da cơ địa (Chàm)
Hướng dẫn người bệnh, người nhà bệnh nhân kiến thức về bệnh, yếu tố khởi phát, quan điểm điều trị lợi ích và nguy cơ.
Giảm các yếu tố khởi phát; giữ phòng ngủ thoáng mát, tránh tiếp xúc lông gia súc, gia cầm, len, da, giảm bụi nhà, giảm stress, nên mặc đồ vải cotton.
Tắm nước ấm, không quá nóng, không quá lạnh, ngay sau khi tắm xong phải bôi thuốc ẩm da, dưỡng da. Nếu dùng xà phòng thì dùng loại ít kích ứng.
Vệ sinh vùng tã lót ở trẻ nhỏ tránh chất tiết gây kích thích.
Bôi thuốc làm ẩm da hàng ngày nhất là vào mùa đông, ngày 2 – 3 lần.
Giữ độ ẩm không khí trong phòng.
Ăn kiêng chỉ áp dụng cho trường hợp bệnh nặng, trẻ nhỏ, khi đã xác định rõ loại thức ăn gây kích thích.
Bôi thuốc phải đúng cách, theo từng giai đoạn bệnh, tùy vào vùng da và trẻ em hay ngưới lớn.
Uống thuốc kháng histamin ngày 2 lần.
Điều trị kháng sinh khi có bội nhiễm
Corticoid trong trường hợp nặng lan tỏa [1], [2], [3].
Chú ý: Khi phát hiện bệnh hãy đến cơ sở y tế điều trị (Phòng khám chuyên khoa Da Liễu – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng) để được tư vấn, điều trị sớm tránh các biến chứng.
Tài liệu tham khảo
1. Da Liễu Học Nhà Xuất Bản Giáo Dục Việt Nam, Chủ Biên PGs.Ts Phạm Văn Hiển (Tái bản lần thứ IV); Trang 40-46.
2. Hướng Dẫn Chẩn Đoán Và Điều Trị Các Bệnh Lý Da Liễu Nhà Xuất Bản Y Học Hà Nội 2018 ; Chủ Biên PGS.Ts Nguyễn Thị Xuyên; Trang 119-123.
3. Bài Giảng Bệnh Da Liễu (Tái Bản Lần Thứ VI): Nhà Xuất Bản Y Học Chi Nhánh Thành Phố Hồ Chí Minh: Giáo sư Tiến Sĩ Nguyễn Văn Út; Trang 295-306.
Tin cùng chuyên mục:
LỊCH TRỰC TUẦN TỪ NGÀY 14/12/2020 ĐẾN NGÀY 20/12/2020
LỊCH TRỰC TUẦN TỪ NGÀY 16/8/2021 ĐẾN NGÀY 22/8/2021
LỊCH TRỰC TUẦN TỪ NGÀY 13/9/2021 ĐẾN NGÀY 19/9/2021