Suy thận mạn tính là một hội chứng lâm sàng và sinh hóa tiến triển mạn tính, gây tổn thương nhu mô thận từ từ dẫn đến sự xơ hóa các nephron thận, gây suy giảm chức năng thận hay làm giảm mức lọc cầu thận. Suy thận mạn là hậu quả của các bệnh lý thận tiết niệu nguyên phát và của cả nhiều bệnh lý đưa đến. Hiện nay suy thận mạn đang gia tăng nhanh chóng trên thế giới do sự gia tăng của một số bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, ung thư, nhiễm trùng,…
Bệnh thận mạn và bệnh thận giai đoạn cuối là một vấn đề sức khỏe toàn cầu. Trên thế giới, năm 2017 có 697,5 triệu trường hợp mắc bệnh thận mãn được ghi nhận với tỉ lệ mắc bệnh là 9,1%, có 35,8 triệu bệnh nhân bệnh thận mãn giai đoạn cuối đang chạy thận định kỳ, nguyên nhân chủ yếu vẫn là đái tháo đường, chiếm gần một phần ba bệnh nhân lọc máu. Từ năm 1990 đến năm 2017 có 1,2 triệu người tử vong vì bệnh thận mãn tính, nguyên nhân tử vong chủ yếu là bệnh lý tim mạch [2].
Hiện nay cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, người ta đã hiểu rõ bệnh thận mạn, suy thận mạn hơn trong lĩnh vực cơ chế sinh bệnh và nhất là các biện pháp điều trị bệnh. Tuy nhiên, áp dụng các biện pháp điều trị dành cho bệnh nhân suy thận mạn phụ thuộc vào giai đoạn hay nói cách khác là mức độ nặng, nhẹ của suy thận mạn.
Các biện pháp không dùng thuốc
– Thực hiện chế độ ăn kiêng theo hướng dẫn thầy thuốc.
– Không hút thuốc lá: gây hại cho phổi, tim, thận.
-Không dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc.
Trong đó, dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận mạn chưa chạy thận cũng là điều cần quan tâm. Hiện tỷ lệ suy dinh dưỡng khá cao, chiếm 40% (10-70%). Do bệnh nhân chán ăn, nôn ói, kiêng khem, hạn chế quá nhiều protein… Dinh dưỡng tốt, đúng cách sẽ làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn, giảm tỉ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống. Bệnh nhân cần được hướng dẫn cặn kẽ bởi chuyên viên dinh dưỡng.
Trong dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận chưa chạy thận cần chú ý việc bổ sung các nhóm thức ăn, vi chất dinh dưỡng như:
– Năng lượng: 35 – 45kcal/kg/ngày.
– Chất đạm: 0,8g/kg cân nặng. Một người nặng 50 kg sẽ ăn khoảng 0,8 x 50 = 40g đạm trong 1 ngày, tương đương 200 gr thịt cá hải sản… mỗi ngày. Nếu bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo sẽ được ăn 1g/kg/ngày. Hạn chế chất đạm sẽ giảm biến chứng tăng urê máu, làm chậm tiến triển đến suy thận mạn giai đoạn cuối. Nhưng nếu kiêng khem quá mức sẽ gây suy dinh dưỡng cũng không tốt cho bệnh nhân.
– Chất béo (Lipid): giảm dầu mỡ, da, lòng đỏ trứng, nội tạng động vật: gan, lòng…ăn ít đồ xào, nên ăn rau củ quả luộc, hấp.
– Chất bột đường (carbohydrate): 55-60 % tổng năng lượng khẩu phần. bệnh nhân tiểu đường cần hạn chế chất tinh bột.
– Vitamin và khoáng chất khác, trong đó cần bổ sung vitamin tan trong nước như Vitamin nhóm B (B1, B2), đặc biệt vitamin C [1].
Các biện pháp dùng thuốc
Khi điều trị bệnh nhân bị suy thận cần chú ý những bệnh lý kèm theo của bệnh nhân để đảm bảo việc điều trị dùng thuốc an toàn như:
– Đái tháo đường: chú ý biến chứng hạ đường huyết khi bệnh nhân bị suy thận, bác sĩ sẽ giảm liều 1 số thuốc tiểu đường như amaryl, diamicron và ngưng không sử dụng các thuốc như glucobay, glucophage… tùy theo mức độ suy thận. Nếu suy thận nặng, bác sĩ sẽ chuyển sang tiêm insulin.
– Tăng huyết áp: bác sĩ sẽ dùng các thuốc huyết áp vừa có tác dụng hạ huyết áp, vừa có tác dụng bảo vệ thận, ví dụ: Coversyl, zestril, renitec…: các thuốc này có tác dụng phụ ho khan, đôi khi rất nặng khiến bệnh nhân phải ngưng thuốc. Đôi khi bệnh nhân được chẩn đoán lầm bị bệnh đường hô hấp. Losartan, aprovel, micardis, diovan: ít ho hơn và cũng đắt tiền hơn.
Khi huyết áp bệnh nhân vẫn cao, bác sĩ sẽ phối hợp thêm 1 số thuốc khác như: Lợi tiểu (natrilix, furosemide, aldactone, spironolactone); các thuốc khác nifedipine (Adalate), amlodipine, felodipine. Bệnh nhân suy thận nặng: sẽ dùng aldomet, domepa. Bệnh nhân suy thận thường phải dùng phối hợp 2-3, thậm chí 4 loại thuốc mới ổn định được huyết áp.
– Hạ mỡ máu: Nếu tăng cholesterol, LDL-cholesterol: điều trị bằng: atorvastatin (Lipitor, Crestor), rosuvastatin… Nếu triglyceride cao: Lipanthyl, Lopid…
– Thuốc tạo máu: Erythropoietin (Eprex, erithromax) tiêm dưới da. Ngoài ra, bệnh nhân cần bổ sung canxi: ngừa loãng xương, gãy xương bằng rocaltrol, calcium sandoz…; bổ sung Vitamin đa sinh tố và chế phẩm dinh dưỡng.
* Riêng các biện pháp điều trị suy thận mạn giai đoạn cuối(GFR<15 ML/PH/1,73) có 3 phương pháp:
– Chạy thận nhân tạo: lọc máu;
– Thẩm phân phúc mạc;
– Ghép thận.
Mỗi phương pháp: đều có lợi điểm và hạn chế riêng. Việc chọn lựa tùy thuộc vào bệnh nhân. Thầy thuốc sẽ tư vấn cho bệnh nhân [1]. Ví dụ:
– Lọc máu: có ưu điểm được đội ngũ y tá, thầy thuốc phục vụ, hiệu quả, mỗi lần lọc mất 4 giờ, 1 tuần lọc 3 lần. Nhưng khuyết điểm: cần phẫu thuật tạo đường dò mạch máu. Biến chứng: tụt huyết áp, tắc mạch, dùng thuốc chống đông, bệnh nhân phải đến bệnh viện.
– Thẩm phân phúc mạc: ưu điểm là tự thực hiện, 1 ngày lọc 4 lần, mỗi lần 30 phút, huyết áp ổn định, bệnh nhân có thể tự thưc hiện tại nhà, có thể vừa đi làm, vừa điều trị. Nhưng khuyết điểm: phẫu thuật đặt ống thông. Dễ bị biến chứng nhiễm trùng bụng. Bệnh nhân già khó thực hiện.
– Ghép thận, rất hiệu quả nhưng cần người cho thận.
* Bệnh thận mạn, suy thận mạn có thể phòng ngừa và làm chậm tiến triển của bệnh bằng cách: uống nhiều nước, hạn chế chất béo, ngưng hút thuốc lá, điều trị hiệu quả bệnh lý có liên quan như viêm đường tiết niệu, sỏi thận, bướu tiền liệt tuyến, hội chứng thận hư, các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường,… đạt được mục tiêu khuyến cáo. Đồng thời, bệnh nhân cần biết một số thông tin về chẩn đoán, theo dõi bệnh thận để có thể tự theo dõi cho mình và tuân thủ theo sự điều trị của bác sĩ.
Tài liệu tham khảo
2. G. B. D. Chronic Kidney Disease Collaboration (2020), “Global, regional, and national burden of chronic kidney disease, 1990-2017: a systematic analysis for the Global Burden of Disease Study 2017”, Lancet, 2020.
Tin cùng chuyên mục:
LỊCH TRỰC TUẦN TỪ NGÀY 02/12/2024 ĐẾN HẾT NGÀY 08/12/2024
THÔNG BÁO Số 377/TB-BVĐK ngày 27/11/2024 v/v chào giá điểm tâm sáng
THÔNG BÁO Số 376/TB-BVĐK ngày 29/11/2024 v/v xin báo giá đơn vị tư vấn thẩm định E-HSMT và kết quả lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu thuộc dự toán sửa chữa, thay thế linh kiện thiết bị y tế; Mua sắm thiết bị và kiểm định – hiệu chuẩn thiết bị y tế tại Bệnh viện
THÔNG BÁO Số 375/TB-BVĐK ngày 29/11/2024 v/v xin báo giá đơn vị tư vấn lập E-HSMT và đánh giá E-HSDT cho các gói thầu thuộc dự toán Sửa chữa, thay thế linh kiện y tế; Mua sắm thiết bị và kiểm định – hiệu chuẩn thiết bị y tế tại Bệnh viện