Những tương tác nguy hiểm của thuốc và thức ăn

Tương tác thuốc – thực phẩm có thể xảy ra với cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn (OTC). Những thuốc đó gồm thuốc kháng acid, vitamin, sắt, thuốc đông y, thực phẩm bổ sung và đồ uống.

Một số chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến cách cơ thể chuyển hóa một số loại thuốc bằng cách liên kết với các thành phần của thuốc. Điều này làm giảm sự hấp thụ hoặc tăng tốc độ đào thải của chúng.

Nước ép trái cây và thuốc kháng sinh

Nước ép trái cây ví dụ như nước cam, nước quýt, nước chanh có chứa nhiều acid. Do đó những đồ uống này cũng được chống chỉ định khi dùng chung với các loại thuốc kháng sinh như: ampicillin, erythromycin, lincomycin… vì các kháng sinh này sẽ bị hỏng do kém bền vững ở môi trường acid.

Thuốc kháng sinh với sữa và các chế phẩm từ sữa

Sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ gắn với các loại thuốc và cản trở sự hấp thu của thuốc vào máu. Từ đó gây giảm tác dụng chống nhiễm trùng của kháng sinh nhóm fluoroquinolones và một số loại tetracycline. Tránh ăn sữa chua hoặc kem ít nhất 2 tiếng trước khi uống thuốc và 6 tiếng sau khi sử dụng kháng sinh.

Rau lá xanh đậm và thuốc chống đông máu

Wafarin là các loại thuốc làm loãng máu dùng để điều trị tình trạng cục máu đông. Các loại rau như cải xoăn và bông cải xanh chứa rất nhiều vitamin K. Vấn đề là vitamin K lại có tác dụng đối ngược với warfarin. Khi warfarin không phát huy tác dụng, nguy cơ hình thành cục máu đông của bạn sẽ tăng lên. Tuy vậy không có nghĩa là bạn phải tránh sử dụng vitamin K. Chế độ ăn của bạn cần duy trì cân đối. Nếu bạn ăn nhiều các loại rau này hơn (vì đến mùa rau) hoặc đột ngột dừng ăn rất nhiều loại rau, có thể bạn sẽ gặp phải các phản ứng phụ như hình thành cục máu đông hoặc bị chảy máu. Trong trường hợp này, bác sĩ sẽ phải điều chỉnh liều thuốc của bạn cho phù hợp.

Thuốc chống chầm cảm và bia, rượu vang đỏ, sô cô la, thịt chế biến, bơ và một số loại pho mát.

Nếu đang sử dụng thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm ức chế MAO bạn sẽ cần thận trọng khi sử dụng các loại thực phẩm có hàm lượng tyramine cao. Tyramine là một loại acid amin tham gia vào việc điều hoà huyết áp. Sự phối hợp này sẽ làm tăng huyết áp lên quá cao. Các thực phẩm giàu tyramine bao gồm phô mai, một số loại rượu vang, cá ướp muối, nấm bia lên men, đậu fava. Đó là nguyên nhân vì sao các loại thuốc ức chế MAO không được kê đơn thường xuyên như các loại thuốc chống trầm cảm khác (ví dụ như các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc – SSRI).

Nước ép bưởi có thể gây ảnh hưởng đối với một số loại thuốc huyết áp, thuốc cấy ghép nội tạng, thuốc giảm cholesterol và thuốc an thần

Nước ép bưởi có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất tới hiệu quả của thuốc khi uống vào cơ thể. Nước ép bưởi làm tăng sự hấp thu thuốc quá nhiều vào máu, có thể gây nguy hiểm. Không nên ăn bưởi khi uống một số loại thuốc sau:

Đa phần các loại thuốc huyết áp không bị ảnh hưởng bởi nước ép bưởi trừ 4 loại thuốc sau: Thuốc Felodipine; Thuốc Nifedipine (Procardia); Thuốc Losartan (Cozaar); Thuốc Eplerenone (Inspra). Một nghiên cứu cho thấy, nồng độ nifedipine trong máu tăng đáng kể khi uống khoảng 2 cốc (500ml) nước ép bưởi. Việc này dẫn đến giảm huyết áp nhanh chóng, có thể nguy hiểm nếu không được giám sát. Losartan (Cozaar) bị ảnh hưởng bởi nước ép bưởi dẫn đến giảm tác dụng, không còn khả năng hạn chế khả năng kiểm soát huyết áp. Eplerenone hoạt động tương tự như losartan, nhưng mức độ của nó tăng lên khi dùng chung với bưởi. Nồng độ eplerenone quá cao có thể gây ra quá nhiều kali trong máu, có thể cản trở nhịp tim

Nhóm thuốc hạ cholesterol trong máu: Nếu bạn đang uống các loại thuốc nhằm giảm cholesterol thì đừng nên ăn bưởi, vì nó sẽ khiến cho một lượng lớn thuốc đọng lại trong cơ thể, không phát huy được tác dụng, dẫn đến tổn thương gan và suy nhược cơ bắp. Nước bưởi khi dùng chung với simvastatine hoặc atorvastatine có thể làm tăng sự hấp thu của thuốc lên gấp 15 lần và gây tác dụng phụ nghiêm trọng ở cơ.

Những tương tác nguy hiểm của thuốc và thức ăn

Các thuốc suy giảm miễn dịch dùng để chống thải ghép (tacrolimus, ciclosporine…): Khi dùng chung với nước bưởi thường xuyên sẽ gây độc hại cho thận.

Các thuốc an thần, thuốc ngủ: Khi dùng với nhóm thuốc này, ăn bưởi sẽ gây ra cảm giác chóng mặt.

Lưu ý: Dù ăn hoặc uống nước ép bưởi 2 giờ trước hoặc sau khi uống thuốc vẫn có thể còn tác hại, vì vậy tốt nhất là tránh ăn loại quả này khi đang uống các loại thuốc trên.

Không phải tất cả các loại thuốc đều bị ảnh hưởng bởi thức ăn, nhưng nhiều loại có thể bị ảnh hưởng bởi các loại thực phẩm và thời điểm ăn. Đôi khi, uống thuốc cùng lúc với bữa ăn có thể cản trở quá trình hấp thụ thuốc của dạ dày và ruột. Trong khi, các loại thuốc khác được khuyến cáo nên dùng cùng với thức ăn. Hãy nhớ luôn cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn cụ thể về việc ăn trước hoặc sau khi uống bất kỳ loại thuốc nào.

Những thông tin cần nhớ về tương tác giữa thuốc và thực phẩm

Luôn luôn tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc dược sĩ nếu có nhưng thực phẩm hoặc đồ uống, vitamin hoặc thực phẩm bổ sung có tương tác với thuốc đang sử dụng.

Đọc nhãn thuốc trên bao bì. Nếu bạn không hiểu thông tin nào đó hoặc cần nhiều thông tin hơn, bạn cần nhận được sự tư vấn của bác sĩ điều trị hoặc dược sĩ.

Đọc hướng dẫn, cảnh báo và biện pháp phòng ngừa tương tác được in trên tất cả các nhãn thuốc và hướng dẫn. Ngay cá với các loại thuốc không kê đơn cũng có thể tương tác với thực phẩm, đồ uống hoặc thực phẩm bổ sung

Uống thuốc với một cốc nước lọc

Không trộn thuốc vào thực ăn hoặc bóc viên nang (trừ khi có sự hướng dẫn của dược sĩ hoặc bác sĩ) vì điều này có thể ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của thuốc.

Hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi uống vitamin cùng thời điểm khi uống thuốc. Vì một số loại vitamin và khoáng chất có thể tương tác với các loại thuốc.

Không pha thuốc vào đồ uống nóng, vì nhiệt có thể làm mất tác dụng của thuốc.

Không uống thuốc với đồ uống có cồn. Rượu hoặc bia có thể thay đổi sự hấp thụ thuốc và có thể làm tăng hoặc giảm hiệu quả của nhiều loại thuốc

Luôn luôn tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm bổ sung, thuốc đông y hoặc vitamin.

Giữ tất cả các loại thuốc trong hộp đựng ban đầu để có thể dễ dàng xác định những loại thuốc này khi cần.

Nguồn: https://vienyhocungdung.vn/nhung-tuong-tac-nguy-hiem-cua-thuoc-va-thuc-an-20230218083410148.htm

 

BSCKII. Bùi Thị Ngọc Tú

Khoa Khám Bệnh – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng

 

 




 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0888877115
Liên hệ