Khi người trưởng thành già đi, mỗi hệ cơ quan trong cơ thể đều trải qua những sự thay đổi khác nhau. Những biến đổi này là kết quả của sự tương tác giữa môi trường sống, bệnh tật, di truyền, stress và rất nhiều yếu tố khác. Những thay đổi này đôi lúc rất dễ nhận thấy như tóc bạc, da nhăn, lưng gù. Tuy nhiên, có rất nhiều biến đổi âm thầm trong cơ thể mà mắt thường không thể nhận ra được. Những thay đổi này sẽ không bộc lộ cho đến khi người cao tuổi được khám và xét nghiệm. Quá trình lão hóa làm giảm hiệu lực của các cơ chế tự điều chỉnh của cơ thể, giảm khả năng thích nghi, bù trừ do đó không đáp ứng được những đòi hỏi của sự sống. Những thay đổi sinh lý do tuổi đôi khi được coi là không thể tránh khỏi và không thể thay đổi. Những thay đổi theo tuổi rất đa dạng, khác nhau giữa các cá thể và các cơ quan bộ phận trong cùng một các thể. Ví dụ: có người da nhăn nheo và tóc bạc nhưng cũng có nhiều người khác da căng mịn, tóc đen, có người lưng còng nhưng có người vẫn giữ nguyên vóc dáng như hồi còn trẻ. Sự lão hóa của mỗi cá thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố có thể thay đổi và phòng ngừa được. Sự già hóa sinh học bắt đầu từ giai đoạn trung niên và sau đó sụt giảm một cách tuyến tính theo lứa tuổi cho tới lúc lìa đời. Đặc tính chung nhất của sự lão hóa là không đồng tốc, không đồng thì. Phân biệt giữa thay đổi sinh lý hay bệnh lý của tuổi già là một phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Quả tim của người già thường to hơn và chiếm một thể tích lớn hơn trong lồng ngực. Đây cũng là một triệu chứng thường gặp của bệnh lý tim mạch như bệnh cơ tim giãn. Do đó, một người già có kích thước tim tăng lên cần được đánh giá tim mạch tổng quát để phân biệt giữa biến đổi sinh lý và bệnh lý. Mặc dù kích thước tim ở người già tăng nhưng kèm theo giảm tổng thể khối lượng cơ tim chức năng. Ngoài ra, áp lực tống máu cũng giảm dẫn tới giảm khối lượng tuần hoàn. Các van tim trở nên xơ cứng hơn do bị calci hóa, ngăn cản khả năng đóng khít của những van này dẫn tới tiếng thổi sinh lý và bệnh lý. Tiếng T4 bệnh lý thường phổ biến ở người già hơn là ở người trẻ do thay đổi về giải phẫu tim.
Hệ thống các nút phát xung điện điều chỉnh nhịp tim cũng thường bị ảnh hưởng bởi những biến đổi giải phẫu của quả tim dẫn tới những nhát bóp sớm và loạn nhịp. Bản chất những loạn nhịp này không phải là bệnh lý. Những rối loạn nhịp tim không thường xuyên, không đi kèm với mệt mỏi, thở gấp, khó thở khi gắng sức, tuần hoàn bàng hệ hoặc đau ngực sẽ không đáng ngại. Tuy nhiên khi bất thường nhịp tim kèm với những triệu chứng này thì cần phải quan tâm chặt chẽ.
Hậu quả của giảm lực co bóp cơ tim và đóng mở bất thường các van tim là giảm tốc độ tuần hoàn dẫn đến một loạt các hệ quả cho người già. Đầu tiên, tuần hoàn chậm thường dẫn tới chậm liền vết thương. Ví dụ vết rách da chân của một người già sẽ liền sau vài tuần, chậm hơn so với vết rách da của người trẻ hoặc trẻ em khỏe mạnh liền chỉ sau 1 tuần. Tuần hoàn chậm cũng ảnh hưởng lên thời gian tác dụng của thuốc, cần đặc biệt lưu ý điều này khi kê đơn và đánh giá hiệu quả điều trị ở người già.
Một số người già có huyết áp tâm trương rất thấp, do khả năng co giãn của cơ tim yếu dẫn tới áp lực buồng tim lúc nghỉ giảm đáng kể. Huyết áp tâm trương thấp là một yếu tố nguy cơ tai biến mạch máu não.
Sức cản của hệ mạch ngoại vi thường tăng nên máu ở các bộ phận xa trung tâm như ngón tay và ngón chân sẽ khó quay về tim và phổi hơn để lấy oxy và tái tuần hoàn. Các van tĩnh mạch ở chi dưới hoạt động kém hơn dẫn tới ứ trệ tuần hoàn chi dưới. Các yếu tố nguy cơ bệnh tật làm nặng hơn những thay đổi này. Do tác động của di truyền, chế độ ăn và các yếu tố khác, người cao tuổi có nguy cơ cao tiến triển cả xơ vữa và xơ cứng động mạch ở tim và động mạch ngoại vi.
Luyện tập thường xuyên không đủ để ngăn ngừa đồng thời cả lão hóa hệ tim mạch và bệnh tim mạch. Nhưng luyện tập có thể làm giảm cholesterol từ đó giảm xơ cứng và xơ vữa động mạch. Hơn nữa, luyện tập cũng làm giảm huyết áp và giảm cân từ đó giảm mức độ gắng sức cho tim. Người già cũng nên chú ý tưới cường độ vận động nghĩa là nên bắt đầu vận động một cách từ từ cho đến khi cơ thể đã thích nghi với cường độ vận động mới. Các đánh giá thường xuyên về tình trạng tim mạch được khuyến cáo để dự đoán sớm các biến đổi bệnh lý, khi mà họ còn tuân thủ điều trị. Vì hệ tim mạch là một trong những cơ quan trọng trọng nhất của cơ thể nên hoạt động chức năng hiệu quả của nó rất quan trọng.
Nguồn. http://benhvienlaokhoa.vn/nhung-bien-doi-sinh-ly-thuong-gap-o-nguoi-cao-tuoi
Tin cùng chuyên mục:
DANH SÁCH NGƯỜI THỰC HÀNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH SÓC TRĂNG
LỊCH TRỰC TUẦN TỪ NGÀY 18/11/2024 ĐẾN HẾT NGÀY 24/11/2024
QUYẾT ĐỊNH Số 1261/QĐ-BVĐK ngày 15/11/2024 về việc hủy kết quả trúng tuyển
THÔNG BÁO Số 350/TB-BVĐK ngày 13/11/2024 về việc chào giá cung cấp hàng hóa, dịch vụ