NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH BƯỚU GIÁP NHÂN

Mỗi năm, trên thế giới, hàng trăm ngàn người được phát hiện có bướu giáp nhân. Mỗi người trong chúng ta đều có thể bị bướu giáp nhân mà không biết. Bệnh bướu giáp nhân gây ảnh hưởng gì tới sức khỏe và tính mạng của người bệnh? Bạn đã biết về căn bệnh này chưa?

1. Bướu giáp nhân là gì?

Tuyến giáp là một cơ quan nội tiết, có vai trò tiết hoóc-môn điều hòa nhiều hoạt động sống của cơ thể. Tuyến giáp nằm ở vị trí vùng cổ trước.

Bướu giáp nhân là tổn thương dạng khối trong tuyến giáp. Bướu giáp nhân có thể lành tính hoặc ác tính, nhiều nhân hay một nhân. Nhân giáp có thể dạng khối đặc hoặc chứa dịch, hoặc nhân hỗn hợp.

Bướu giáp nhân rất thường gặp. Qua khám lâm sàng, có khoảng 4-7% dân số được phát hiện mang bướu giáp nhân. Qua siêu âm, tỷ lệ này khoảng trên 20%.

Phụ nữ có tỷ lệ mắc bướu nhân tuyến giáp cao gấp 5 lần nam giới. Độ tuổi thường gặp của bệnh này là khoảng 36-55 tuổi.

2. Triệu chứng của bệnh bướu giáp nhân

2.1. Triệu chứng lâm sàng của bướu giáp nhân

  • Đa số người bị bướu giáp nhân không có triệu chứng nào khó chịu. Họ thường phát hiện tình cờ khi khám sức khoẻ định kỳ hoặc đi khám vì lý do khác.
  • Đôi khi có người tự phát hiện có khối ở vùng cổ, cổ to ra khi soi gương, khi sờ vùng cổ.
  • Khi sờ nhân giáp sẽ thấy khối cứng, hình tròn hoặc hình bầu dục. Có thể một khối hoặc nhiều khối.
  • Bướu nhân to hoặc phát triển nhanh gây nuốt nghẹn, nói khàn, khó thở.
  • Nếu thấy đau đột ngột ở nhân giáp, có thể là triệu chứng chảy máu trong nhân.
  • Khi chức năng tuyến giáp bị rối loạn, người bệnh sẽ có các triệu chứng: run tay, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, lo âu, gầy sút cân…

2.2. Các xét nghiệm chẩn đoán bướu giáp nhân

Những xét nghiệm cơ bản được dùng để chẩn đoán bướu giáp nhân là

a. Xét nghiệm hormone tuyến giáp

  • Bạn sẽ được lấy mẫu máu để xét nghiệm định lượng các hormone T3, T4, FT3, FT4, TSH trong máu.
  • Nồng độ các hormone này phản ánh tình trạng hoạt động của tuyến giáp. Bác sĩ sẽ biết tuyến giáp bạn đang hoạt động bình thường hay bị cường giáp, nhiễm độc giáp.

b. Xạ hình tuyến giáp

Đây là phương pháp dùng đồng vị phóng xạ để đánh giá hoạt động của nhân giáp. Các chất được dùng là Technetium 99 (99mTc); Iod 131 hoặc Iod 123.

Kết quả xạ hình sẽ cho biết nhân giáp hoạt động mạnh hay kém hoạt động.

c. Siêu âm tuyến giáp

Siêu âm tuyến giáp là phương pháp đơn giản và dễ thực hiện.

Siêu âm giúp ước lượng thể tích của tuyến giáp, kích thước, số lượng và đặc điểm của nhân giáp.

d. Chọc hút sinh thiết bằng kim nhỏ

Đây là phương pháp có độ chính xác cao, cho biết bản chất của nhân giáp là nhân đặc hay nhân chứa dịch, lành tính hay ác tính.

Các kết quả sinh thiết có thể là:

  • Ác tính (hay dương tính) chiếm 4-5%, tức là ung thư tuyến giáp.
  • Lành tính (hay âm tính) chiếm khoảng 70%, có thể là bướu keo, nang tuyến giáp, viêm tuyến giáp.
  • Nghi ngờ nhưng không khẳng định được là ung thư.
  • Không xác định được. Trường hợp này nên chọc hút làm xét nghiệm lại.

3. Các biến chứng của bướu giáp nhân

Bướu giáp nhân trong thời gian dài có thể dẫn tới các biến chứng:

  • Chức năng tuyến giáp bị rối loạn, người bệnh sẽ có các triệu chứng cường giáp như: run tay, hồi hộp trống ngực, mất ngủ, lo âu, gầy sút cân…
  • Nhân giáp ung thư hóa.
  • Bướu giáp to chèn ép gây khó thở, nuốt nghẹn.
  • Chảy máu trong nhân giáp.

4. Điều trị bướu giáp nhân như thế nào?

Có nhiều phương pháp điều trị bướu giáp nhân như: điều trị bằng hormone, phẫu thuật, xạ trị… Tùy vào từng loại nhân giáp mà lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau.

4.1. Điều trị bướu giáp đa nhân

  • Điều trị bằng hormone tuyến giáp. Thuốc thường dùng là levothyroxi Phương pháp này giúp giảm kích thước tuyến giáp nhưng còn đang tranh cãi do có tác dụng phụ tới hệ tim mạch, gây loãng xương…
  • Phẫu thuật khi bướu giáp phát triển nhanh, nghi ngờ ác tính. Bướu giáp to gây khó thở, nói khàn,… Chảy máu trong nhân giáp gây đau.
  • Điều trị bằng phóng xạ cho những bệnh nhân bị tái phát sau phẫu thuật hoặc từ chối phẫu thuật.

4.2. Điều trị bướu giáp đơn nhân lành tính

  • Chọc hút keo trong nhân.
  • Phẫu thuật khi nhân quá lớn, gây ảnh hưởng tới các cơ quan khác.
  • Điều trị bằng tiêm cồn dưới da với các nang tuyến giáp cho kết quả tốt, làm giảm kích thước nang.
  • Kết hợp điều trị bằng hormone nếu chức năng tuyến giáp bị rối loạn.

4.3. Điều trị bướu giáp ác tính hoặc nghi ngờ ác tính

  • Nếu bướu giáp ác tính (ung thư tuyến giáp) cần phẫu thuật tuyến giáp và nạo vét các hạch di căn nếu có.
  • Nếu nghi ngờ ác tính, nên chọc hút tuyến giáp nhiều lần. Cân nhắc phẫu thuật với những người có nguy cơ ung thư tuyến giáp cao.
  • Kết hợp điều trị bằng hormone tuyến giáp, điều trị phóng xạ sau phẫu thuật.

4.4. Bướu giáp nhân không sờ thấy

Có những trường hợp bướu giáp nhân không sờ thấy được. Các bướu giáp này được phát hiện nhờ vào xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh.

Nếu kích thước bướu nhỏ hơn 1,5cm và không gây triệu chứng nào thì có thể không điều trị.

5. Dinh dưỡng cho người bị bướu giáp nhân

5.1. Người bị bướu tuyến giáp nên ăn gì?

  • Bổ sung I-ốt trong khẩu phần ăn hàng ngày, bằng cách dùng muối I-ốt, nước mắm I-ốt. I-ốt sẽ bị thăng hoa trong quá trình đun nấu. Nên muốn bổ sung I-ốt hiệu quả thì hãy dùng các gia vị này để chấm.
  • Các thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích, thịt hộp có sử dụng muối nhưng có thể không chứa I-ốt. Chỉ những loại thực phẩm có ghi rõ I-ốt trong thành phần mới có chứa I-ốt.
  • Các loại rong biển, tảo biển cũng là nguồn cung cấp I-ốt dồi dào mà người bị bướu giáp nên ăn. Nhưng bạn không nên uống các loại thực phẩm chức năng dạng viên tảo biển, viên rong biển bổ sung I-ốt vì có thể bị quá liều I-ốt, gây ngộ độc.
  • Người bị bướu giáp cũng nên ăn đầy đủ dinh dưỡng từ thịt cá, rau củ. Không nên kiêng khem quá mức, trừ những loại thực phẩm ảnh hưởng tới hoạt động của tuyến giáp dưới đây.

5.2. Người bị bướu tuyến giáp kiêng ăn gì?

Một số loại thực phẩm ảnh hưởng tới chức năng tuyến giáp hoặc làm giảm tác dụng của thuốc mà người bị bướu giáp nên tránh là:

  • Đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành như đậu phụ, sữa đậu nành có chất làm giảm khả năng sản xuất hormone của tuyến giáp.
  • Sữa động vật, sữa chua, phô mai có nhiều canxi làm giảm tác dụng của thuốc điều trị.
  • Một số loại rau củ: sắn, rau su su, họ cải như bắp cải, củ cải,… làm giảm hấp thu I-ốt, người bệnh nên hạn chế ăn.

6. Dự phòng bệnh bướu giáp nhân bằng cách nào?

Bệnh bướu giáp nhân có nguyên nhân lớn là do chế độ ăn thiếu I-ốt. Do đó, để phòng bệnh cần bổ sung I-ốt vào chế độ ăn như đã nêu trên. Ngoài ra, có thể uống I-ốt dự phòng tại các cơ sở y tế.

Những người có tiền sử gia đình bị bướu giáp, nên đi khám định kỳ để được phát hiện và điều trị sớm.

Bệnh bướu giáp nhân là một bệnh phổ biến. Ai trong chúng ta cũng có thể mắc bệnh bướu giáp nhân này. Vì thế, trang bị những kiến thức về bệnh này là điều cần thiết với mỗi người.

Nguồn. https://thaythuocvietnam.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-benh-buou-giap-nhan/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0888877115
Liên hệ