NGUY CƠ CHẾT NGƯỜI ĐẾN TỪ CÁC LOẠI RƯỢU KHÔNG RÕ NGUỒN GỐC

Việt Nam chúng ta là một trong những nước tiêu thụ rượu bia hàng đầu thế giới. Chính vì vậy các tai nạn và biến cố liên quan đến rượu bia cũng nhiều không kém, trong đó ít phổ biến tuy nhiên lại nguy hiểm chết người phải kể đến ngộ độc Methanol.
Ngộ độc methanol là một vấn đề nhức nhối, hàng năm vẫn được ngành y tế tuyên truyền, cảnh báo nhưng các ca ngộ độc vẫn thường xuyên được ghi nhận trên cả nước.
Các trường hợp ngộ độc methanol chủ yếu xuất phát từ 2 nguyên nhân:
– Uống rượu kém chất lượng có pha methanol (rượu không rõ nguồn gốc)
– Uống phải cồn y tế bị làm giả, với thành phần ethanol bị thay thế thành cồn công nghiệp methanol.
Methanol hay thường được gọi là cồn công nghiệp, có nhiều công dụng khác nhau: làm sơn, dung môi…, tuy nhiên chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được dùng làm rượu thực phẩm như ethanol. Methanol được hấp thu nhanh chóng và hoàn toàn qua đường tiêu hoá. Phần lớn được chuyển hoá qua gan nhưng chậm. Bản thân methanol tác dụng giống ethanol (các biểu hiện kiểu “say rượu”), nhưng sau đó methanol chuyển hóa thành axit formic, sau đó thành formate, gây nhiễm toan chuyển hóa, độc với các tạng, đặc biệt là thần kinh và thị giác. Khi trong rượu uống có cả ethanol và methanol thì chuyển hóa gây độc của methanol xuất hiện chậm hơn và biểu hiện nhiễm độc muộn, bệnh nhân và thầy thuốc có thể chỉ chú ý đến ngộ độc kiểu ethanol lúc đầu và dễ bỏ sót giai đoạn ngộ độc thực sự về sau của methanol. Ngộ độc methanol thường nặng, dễ tử vong nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị tích cực.
Việc phân biệt methanol và rượu hay cồn y tế (thành phần chính là Ethanol) bằng cảm quan bên ngoài là rất khó. Chỉ có 1 điểm là khi uống rượu có pha methanol sẽ có vị hơi ngọt chứ không đắng như rượu thông thường.
Chỉ đến khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc điển hình thì mới khẳng định được việc đã uống phải methanol. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường xuất hiện rất muộn, đây cũng là lý do các trường hợp ngộ độc methanol ghi nhận ở nước ta thường để lại hậu quả rất đáng tiếc.
Các triệu chứng nhiễm độc thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn, tuỳ thuộc vào số lượng và bệnh nhân có uống ethanol hay không (nếu có triệu chứng xuất hiện chậm hơn). Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bỏ qua. Biểu hiện chính thường gặp là:
• Thần kinh: methanol là chất ức chế thần kinh trung ương, tương tự ngộ độc ethanol nhưng ở mức độ nhẹ hơn, gây an thần và vô cảm. Bệnh nhân khi đến viện thường còn tỉnh táo nhưng rất đau đầu, chóng mặt, sau đó có thể gặp các triệu chứng: quên, bồn chồn, hưng cảm, ngủ lịm, lẫn lộn, hôn mê, co giật. Khi ngộ độc nặng có thể có xuất huyết hoặc nhồi máu nhân bèo, tụt não.
• Mắt: Lúc đầu nhìn bình thường, sau đó 12 -24 giờ nhìn mờ, nhìn đôi, cảm giác như có mây che trước mắt, sợ ánh sáng, ám điểm, đau mắt, song thị, ám điểm trung tâm, thu hẹp thị trường, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị (ánh sáng chói, các chấm nhảy múa, nhìn thấy đường hầm…). Đồng tử phản ứng kém với ánh sáng hoặc giãn cố định là dấu hiệu của ngộ độc nặng và tiên lượng xấu.
Ngoài ra còn các triệu chứng ở các cơ quan khác như tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thận nhưng ít đặc hiệu hơn.
Đặc biệt, khi các triệu chứng đã biểu hiện rõ thì đã quá muộn. Bởi lúc này, bệnh nhân đã bị tổn thương mắt dẫn đến mờ mắt và thậm chí là mù mắt vĩnh viễn, não bị tổn thương nặng và không hồi phục. Chính vì không được điều trị kịp thời, nên tỷ lệ tử vong của các ca bệnh này là rất cao. Cụ thể, tại các Trung tâm Chống độc, tỉ lệ tử vong của bệnh nhân ngộ độc methanol là xấp xỉ 30%. Ở các cơ sở y tế tuyến dưới, con số này thậm chí còn lên đến 50%. Trong trường hợp bệnh nhân được cứu sống thì cũng sẽ chịu những di chứng nặng nề đến hết đời.
Vì thế, người bệnh nên được đưa tới cơ sở y tế sớm trong những bối cảnh nghi ngờ cao dù chưa có triệu chứng rõ ràng: uống rượu không rõ nguồn gốc hay uống nhầm cồn y tế,… để được bác sĩ loại trừ ngộ độc methanol hoặc điều trị sớm (hỗ trợ hô hấp, hồi sức chống sốc, lọc máu, dùng thuốc giải độc đặc hiệu (Ethanol hoặc fomepizole)) để tránh các di chứng về sau. Nếu được điều trị kịp thời, việc điều trị có thể đơn giản hơn rất nhiều, cho kết quả tốt thậm chí bệnh nhân khỏi bệnh mà không có bất kì một di chứng nào.
Bs. Dương Quốc Nghi
Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc nội

Để lại một bình luận

0888877115
Liên hệ