MỔ CƯỜM MẮT VÀ NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

Cườm mắt là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn tới mù lòa. Mổ cườm mắt được coi là phương pháp giúp lấy lại thị lực tốt nhất cho người bệnh ở giai đoạn nặng, hoặc sau khi đã áp dụng các cách điều trị khác nhưng không mang lại hiệu quả. Hãy đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về các phương pháp mổ cườm mắt.

Cườm mắt là tên gọi chung của hai căn bệnh mắt khác nhau là đục thủy tinh thể (cườm khô) và tăng nhãn áp (cườm nước). Trong điều trị cườm khô, phẫu thuật được tiến hành để thay thủy tinh thể của mắt; còn đối với cườm nước, phẫu thuật lại nhằm mục đích tạo dòng chảy của thủy dịch trong mắt ra ngoài để hạ nhãn áp cho người bệnh.

Các phương pháp mổ cườm mắt điều trị bệnh cườm khô

Có hai phương pháp mổ cườm khô đang được áp dụng hiện nay là:

Phẫu thuật Phaco (Phacoemulsification)

Đây là phương pháp phẫu thuật tiên tiến giúp loại bỏ thủy tinh thể đã bị đục ra khỏi mắt và thay thế thủy tinh thể mới.

Trong phương pháp này, một đầu dò siêu âm được đưa vào mắt, sóng siêu âm phá vỡ thủy tinh thể trong mắt thành rất nhiều mảnh và hút ra ngoài qua một vết rạch rất nhỏ trên giác mạc mà không cần khâu. Sau đó, thủy tinh thể mới được ghép vào, thay thế chức năng của thủy tinh thể cũ và giúp người bệnh nhìn tốt hơn. Phương pháp phẫu thuật thay thủy tinh thể này thường tiến hành nhanh chóng, không cần gây tê mạnh và có độ an toàn cao.

Phương pháp phẫu thuật bằng laser

Đây được coi là một bước tiến trong phẫu thuật Phaco đã nêu ở trên. Thay vì dùng sóng siêu âm thì phương pháp này sử dụng năng lượng tia laser để tạo vết mổ chuẩn xác trên giác mạc và phá hủy thủy tinh thể bị đục và hút bỏ ra ngoài. Sau mổ người bệnh có thể phục hồi nhanh hơn, ít gặp phải biến chứng chảy máu hơn so với các phương pháp khác. Tuy nhiên, chi phí cho phẫu thuật khá cao vì vậy chưa được áp dụng phổ biến tại Việt Nam.

Mổ lấy thủy tinh thể ngoài bao

Các bác sỹ phẫu thuật sẽ loại bỏ thủy tinh thể đã đục của người bệnh bằng một vết rạch lớn trên mắt. Trước đó, người bệnh sẽ được gây tê quanh mắt để đảm bảo an toàn. Người bệnh được thay thủy tinh thể mới và phải khâu mắt bằng loại chỉ rất mảnh, nhỏ hơn nhiều lần so với sợi tóc người và rất khó để cảm nhận sau khi mổ. So với các phương pháp phẫu thuật mới thì phương pháp mổ đục thủy tinh thể truyền thống này tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn nên không còn được áp dụng rộng rãi.

Các phương pháp mổ cườm mắt điều trị bệnh cườm nước

Tất cả các phương pháp điều trị bệnh cườm nước đều nhằm mục tiêu: Giảm sản xuất dịch nội nhãn và tăng lưu lượng dòng chảy thủy dịch từ trong mắt ra ngoài để làm hạ nhãn áp.

Laser tạo hình bè (trabeculoplasty laser)

Phương pháp này được dùng để chữa trị bệnh tăng nhãn áp góc mở. Tia laser sẽ tác động vào vùng cơ bè để mở những kênh thoát thủy dịch bị tắc nghẽn, làm cho thủy dịch dễ chảy ra ngoài mắt, từ đó, làm giảm các triệu chứng của bệnh. Dùng tia laser để mở khu vực bị tắc nghẽn giúp thủy dịch chảy ra ngoài

Phẫu thuật mở góc (Goniotomy)

Bác sỹ điều trị sẽ rạch một đường vào kênh thoát thủy dịch của mắt để tạo ra một kênh mới giúp thủy dịch thoát ra nhanh hơn. Phương pháp này thường được áp dụng khi bệnh không còn có khả năng kiểm soát bằng thuốc nhỏ mắt hay phẫu thuật tạo hình bè.

Phẫu thuật mở góc thường được chỉ định trong bệnh tăng nhãn áp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây là phương pháp mổ cườm mắt không can thiệp vào các mô xung quanh mắt, thực hiện nhanh, tỷ lệ thành công cao.

Cắt mống mắt chu biên bằng laser (Iridotomy và Iridectomy)

Đây là phương pháp áp dụng cho người bệnh nhập viện cấp cứu do tăng nhãn áp góc đóng cấp tính. Sau khi được nhỏ thuốc hạ nhãn áp và nhãn áp đã ổn định, bác sỹ sẽ dùng tia laser để tạo một lỗ siêu nhỏ trên mống mắt, cho phép thủy dịch thoát ra ngoài.

Ghép ống dẫn lưu cho mắt tăng nhãn áp

Ống dẫn lưu (stent) cho mắt là thiết bị rất nhỏ được ghép vào mắt để tạo ra một kênh thoát thủy dịch thay thế các kênh bị tắc nghẽn hay hư hỏng. Đây là phương pháp hiệu quả nhưng lại có một vài biến chứng có thể xuất hiện như nhãn áp quá thấp gây suy giảm thị lực, tổn thương giác mạc hoặc lở loét mô mắt nơi vị trí đặt ống dẫn lưu.

Thông thường, mổ cườm mắt luôn là phương pháp được chỉ định cuối cùng khi người bệnh điều trị bằng thuốc hay các phương pháp khác mà không có hiệu quả. Bên cạnh lợi ích mang lại thì mỗi phương pháp phẫu thuật đều tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nhất định. Vì vậy, phẫu thuật cườm mắt cần được thực hiện bởi bác sỹ nhãn khoa có tay nghề cao ở những cơ sở y tế uy tín để đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất.

Nguồn www.trungmyjsc.com.vn

Trả lời

0888877115
Liên hệ