Thời gian sau mổ được tính từ thời điểm kết thúc cuộc mổ kéo dài đến khi bệnh nhân hồi phục được khả năng lao động (sớm nhất khoảng 1 đến 3 tuần). Để bệnh nhân sau phẫu thuật có thể sớm phục hồi sức khỏe nên lưu ý những vấn đề trong chăm sóc.
- Chăm sóc bệnh nhân sau mổ ở bệnh viện.
Sau khi mổ, bệnh nhân được vận chuyển vào phòng hậu phẫu để theo dõi trong 24 giờ đầu. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể tụt huyết áp, choáng, trụy mạch. Do đó, để tránh những biến chứng trên có thể xảy ra cần lưu ý:
- Vận chuyển bệnh nhân nhẹ nhàng
- Tránh thay đổi tư thế đột ngột
- Giường êm ái, chắc chắn và thoải mái
Những vấn đề cần theo dõi đối với bệnh nhân sau mổ:
- Hô hấp: theo dõi nhịp thở, kiểu thở, tần số thở và độ căng phồng lồng ngực.
- Tuần hoàn: mạch, huyết áp.
- Nhiệt độ
- Thần kinh, tri giác
- Vận động: khuyến khích bệnh nhân vận động sớm, vận động nhẹ nhàng tại giường trong những giờ đầu sau mổ, tập thở, tập xoay trở.
- Theo dõi lượng nước tiểu, màu nước tiểu sau mổ. Đặc biệt trong những trường hợp bệnh nặng hoặc bị bí tiểu, không có nước tiểu trong 6-8 giờ sau mổ, có sử dụng thuốc lợi tiểu.
- Ống dẫn lưu: theo dõi tính chất, màu sắc của dịch, dấu hiệu chảy máu vết mổ hoặc rối loạn hô hấp qua ống dẫn lưu từ lồng ngực, bụng, bàng quang,…
- Giảm đau sau mổ: giảm đau sau mổ là một việc làm hết sức quan trọng giúp cho bệnh nhân có thể nhanh chóng hồi phục
- Đảm bảo dinh dưỡng: chế độ dinh dưỡng phù hợp, đầy đủ để chống nhiễm khuẩn, nhanh liền vết mổ và hồi phục sức khỏe cho người bệnh. Bệnh nhân có thể ăn trở lại sau khi trung tiện được. Nên ăn những thức ăn dễ tiêu hóa như: sữa, cháo, súp, trái cây có nhiều vitamin C, kali, magie,… Nên ăn chế độ : từ lỏng đến đặc, từ ít tới nhiều và chia làm nhiều bữa. Nên kiêng các chất kích thích, chua cay.
- Thay băng vết thương hằng ngày theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế, giữ vết mổ khô, thoáng, không sờ hay kì cọ trực tiếp lên vết mổ.
- Thời gian cắt chỉ tùy vào loại chỉ được sử dụng. Nếu vết thương được khâu bằng chỉ tự tiêu ( chỉ tan) thì chỉ sẽ tự tiêu trong 7 đến 10 ngày, nếu vết thương được khâu chỉ thường thì cần cắt chỉ sau 5 đến 21 ngày.
- Tâm lý: động viên, an ủi, giúp người bệnh bớt lo lắng, bớt mặc cảm, yên tâm điều trị.
- Vệ sinh cá nhân: giúp người bệnh vệ sinh cá nhân, vệ sinh răng miệng
- Chăm sóc bệnh nhân sau mổ tại nhà
Một số biến chứng muộn có thể xảy ra sau khi bệnh nhân được xuất viện về nhà, điển hình như nhiễm trùng vết mổ. Do đó, việc chăm sóc bệnh nhân sau mổ tại nhà rất cần thiết:
- Cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục sức khỏe.
- Vệ sinh vết mổ hằng ngày và đúng cách giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng vết mổ.
- Các biến chứng muộn sau mổ có thể xảy ra như bí tiểu, rối loạn điện giải, chảy máu, nhiễm trùng vết mổ, bung vết mổ, thoát vị vết mổ, liệt ruột, tắc ruột, huyết khối,… người bệnh cần đến khám ngay khi có các triệu chứng bất thường:
- Sốt hoặc lạnh run
- Vết mổ sưng, đỏ và đau
- Buồn nôn, nôn ói
- Đau bụng dữ dội
- Đầy hơi chướng bụng
- Bí tiểu, tiểu lắt nhắt hoặc nước tiểu có màu bất thường
Cần tái khám đúng lịch hẹn của bác sỹ để đánh giá tình trạng hồi phục và kế hoạch chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân.
Bs Thạch Thị Tố Thi
Khoa phẫu thuật Gây mê hồi sức – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng
Tin cùng chuyên mục:
LÃNH ĐẠO TỈNH ỦY, UBND TỈNH, CÁC SỞ, NGÀNH ĐẾN THĂM HỎI, TẶNG QUÀ, CHÚC TẾT BỆNH NHÂN VÀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH SÓC TRĂNG
SỰ NỖ LỰC CỦA Y BÁC SĨ TRONG NGÀY CẬN TẾT
THÔNG BÁO Số 36/TB-BVĐK ngày 21/01/2025 v/v xin báo giá để làm cơ sở lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng năm 2025
CHỈ THỊ Số 01/CT-BYT ngày 06/01/2025 v/v tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025