Máu là một loại dược phẩm mà hiện nay chưa thể điều chế nhân tạo để sử dụng rộng rãi. Vì vậy, khi bệnh nhân cần sử dụng máu để điều trị, họ chỉ có thể sử dụng nguồn máu được cung cấp từ những người hiến máu.
Khi hiến máu, người hiến máu sẽ được lấy đi một lượng máu trong cơ thể (còn gọi là máu toàn phần) mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Lượng máu này sẽ được bảo quản trong một túi máu và sẽ được điều chế thành các loại chế phẩm khác nhau như: khối hồng cầu, tiểu cầu, huyết tương tươi, tủa lạnh,… sau khi được thực hiện nhiều loại xét nghiệm và xác nhận đạt chất lượng để sử dụng cho bệnh nhân.
I. Người hiến máu nên chuẩn bị những gì trước khi hiến?
Người hiến máu khi đi hiến máu cần mang theo một trong các loại giấy tờ tùy thân như: chứng minh nhân dân (căn cước công dân), hộ chiếu, giấy chứng minh của quân đội, công an, thẻ học sinh, sinh viên,…
Người hiến máu nằm trong độ tuổi từ 18 đến 60 và cân nặng tối thiểu là 42kg (đối với nữ), 45kg (đối với nam).
Trước khi hiến máu, người hiến máu không nên luyện tập hay lao động nặng, không sử dụng thực phẩm nhiều dầu mỡ hay chất béo, uống rượu bia, nên ăn nhẹ và uống nhiều nước, trà đường pha loãng.
Ngoài ra, người hiến máu phải đảm bảo tình trạng sức khỏe để quá trình cho máu được tốt nhất:
- Không mắc các bệnh cấp tính và mạn tính về thần kinh, hô hấp, tâm thần, tuần hoàn, tiết niệu, tiêu hóa, gan mật, nội tiết, máu và tổ chức tạo máu, bệnh hệ thống, bệnh tự miễn, dị ứng nặng.
- Không hiến máu khi mang thai.
- Không có tiền sử lấy, hiến, ghép bộ phận cơ thể người.
- Không nghiện ma túy, nghiện rượu.
- Không bị khuyết tật nặng hay khuyết tật đặc biệt nặng.
- Không hiến máu khi đang bị mắc các bệnh lây truyền qua đường máu, đường tình dục.
*Một số trường hợp có thể trì hoãn việc hiến máu trong khoảng thời gian nhất định hoặc phải nghỉ ngơi sau hiến máu, bạn nên thông báo cho nhân viên y tế khi khám sức khỏe trước khi hiến để được tư vấn tốt nhất:
- Sau khi tiêm vắc xin.
- Sau phẫu thuật, sau khi điều trị một số bệnh truyền nhiễm.
- Sinh con, tạm dừng thai nghén.
- Sau phẫu thuật, điều trị một số bệnh nội khoa.
- Xăm trổ trên da, bấm dái tai, mũi, rốn,…
- Một số công việc đặc thù như: làm việc trên cao hay dưới sâu, tài xế vận hành các phương tiện công cộng, vận động viên,…
- Thông báo cho nhân viên y tế tình hình sức khỏe và các loại thuốc mà mình đã và đang sử dụng gần đây.
- Vừa mới hiến máu hoặc: khoảng cách giữa các lần hiến máu toàn phần là 3 tháng và bạn không nên hiến máu quá 4 lần/năm.
II. Các lợi ích khi hiến máu
1. Được khám và tư vấn sức khỏe
Bạn sẽ được nhân viên y tế lấy các số đo về cân nặng, chiều cao, huyết áp và nhịp tim, sau đó sẽ được các bác sĩ tư vấn nhằm đảm bảo bạn có sức khỏe tốt nhất để hiến máu. Vì vậy, khi bạn được xác nhận để hiến máu có nghĩa rằng sức khỏe của bạn đang ở trạng thái ổn định.
Một số người khi sau được khám và tư vấn đã phát hiện sớm một số bệnh lý tiềm ẩn như huyết áp,… từ đó được điều trị kịp thời, không gây nguy hiểm.
2. Được xét nghiệm và thông báo kết quả (hoàn toàn bí mật)
Khi hiến máu lần đầu tiên, bạn sẽ được tư vấn và làm một số xét nghiệm sàng lọc về huyết sắc tố, viêm gan B. Khi các kết quả này đều đạt yêu cầu, bạn sẽ được tiến hành hiến máu.
Sau khi hiến, máu của bạn sẽ được xét nghiệm để biết rằng máu có đủ chất lượng để có thể điều chế thành các chế phẩm máu khác nhau trước khi sử dụng cho bệnh nhân hay không. Các xét nghiệm này bao gồm: định nhóm máu hệ ABO và Rh, HIV, giang mai, viêm gan B, viêm gan C, sốt rét,… Kết quả xét nghiệm này sau đó sẽ được thông báo đến bạn, bạn có thể dựa vào các kết quả này để kiểm tra lại tình trạng sức khỏe nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc không đạt yêu cầu.
3. Các lợi ích khác
Sau khi hiến, bạn sẽ mất đi một lượng máu nhất định, khi đó cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tăng sản xuất lại máu để bù lại lượng đã mất. Quá trình này sẽ tạo ra các tế bào máu mới, không chỉ giúp kích thích hoạt động của các cơ quan mà còn tạo cho cơ thể cảm giác khỏe mạnh hơn.
Không chỉ có ích cho thể chất, tinh thần của người hiến máu cũng sẽ được phấn chấn hơn vì hiến máu là việc làm nhân văn, mỗi đơn vị mà họ hiến tặng có thể cứu sống được 3 người. Người hiến máu cũng được xã hội công nhận bằng nhiều hình thức tôn vinh, khen thưởng với số lần hiến máu.
Sau mỗi lần hiến máu, người hiến máu cũng sẽ nhận được giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Ngoài giá trị tôn vinh, giấy chứng nhận còn giúp cho người hiến máu có thể sử dụng để bồi hoàn máu cho sau này tại các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc, số lượng bồi hoàn bằng với số lượng máu đã hiến.
Tài liệu tham khảo. Thông tư số 26/2013/TT-BYT ngày 16/09/2013 Hướng dẫn hoạt động truyền máu.
Tin cùng chuyên mục:
DANH SÁCH NGƯỜI THỰC HÀNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH SÓC TRĂNG
LỊCH TRỰC TUẦN TỪ NGÀY 18/11/2024 ĐẾN HẾT NGÀY 24/11/2024
QUYẾT ĐỊNH Số 1261/QĐ-BVĐK ngày 15/11/2024 về việc hủy kết quả trúng tuyển
THÔNG BÁO Số 350/TB-BVĐK ngày 13/11/2024 về việc chào giá cung cấp hàng hóa, dịch vụ