DƯỢC LIỆU LÀM GIẢM “STRESS”

 “Stress” là một tình trạng cố gắng quá mức chịu đựng của con người, ”Stress” làm mất đi sự cân bằng tâm, sinh lý của cơ thể, con người luôn phải “gồng” mình lên, nghĩa là phải tự điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh mới. Theo Y sinh học phân tử “stress” liên quan mật thiết với quá trình perocide hóa ở màng tế bào. Lượng gốc tự do sản sinh càng nhiều là nguyên nhân của nhiều bệnh trong đó có bệnh do “stress”.

Tính thích nghi với ngoại cảnh chính là khả năng của con người chống lại các “stress” trong cuộc sống. Theo các nhà bảo vệ sức khỏe tâm thần thì những nổ lực chủ quan, khả năng rèn luyện nhân cách của mỗi cá thể là yếu tố cơ bản trong việc phòng, chống, hạn chế tác động của “stress”. Tuy nhiên vai trò của thuốc cũng rất quan trọng bởi những hoạt chất có tác dụng làm tăng tính thích nghi của con người với ngoại cảnh là những chất có khả năng chống oxide hóa. Tác dụng của dược liệu làm tăng tính thích nghi này còn thể hiện ở khả năng làm tăng độ bền vững của màng tế bào, đẩy mạnh khả năng sử dụng glucoza, làm tăng hoạt độ men glucoza-6-phosphat dehydrogenaza, tăng lượng NADPH là chất cho hydro cần thiết để dập tắt phản ứng, giảm thiểu một cách tích cực sự sản sinh các gốc tự do. Những dược liệu có khả năng chống được “stress” bao gồm:

1. Nhân sâm – một vị thuốc quý, có vị ngọt hơi đắng, tính ấm, quy kinh tỳ, phế. Thành phần hóa học chủ yếu gồm hỗn hợp các saponin (ginsenoid), các hợp chất fenolic, dẫn chất polysaccharide, protein, các chuỗi acidamin, các vitamin B1, B2, các enzym và phytosterol… tất cả tương tác để cùng kiểm soát các chức năng sinh lý cơ thể nhằm đưa cơ thể trở lại trạng thái hoạt động bình thường. Nhân sâm đại bổ nguyên khí, tăng cường sức lực, giữ cho tinh lực khỏi hao tổn, hư thoát, ích huyết, sinh tân, an thần, giúp tăng trí nhớ. Nhân sâm đứng đầu các loại thuốc bổ, làm tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật. Đặt biệt nhân sâm Việt Nam Panaxginsen VN K5 vùng ngọc linh – Tây nguyên tác dụng bảo vệ màng tế bào, chống oxid hóa, chống lão hóa, giảm “stress” rất tốt.

 2. Ngũ gia bì gai hay còn gọi là ngũ gia bì hương, cây thường mọc ở kẻ núi đá vùng Hòa Bình, Sơn Tây, Ninh Bình, Thanh Hóa. Bộ phận dùng là vỏ cây và rễ. Hoạt chất chính là tinh dầu, saponin triterpen, các acid aleano-lic… Ngũ gia bì hương vị cay tính ấm, quy vào hai kinh can thận tác dụng làm mạnh cân, cường cốt, trừ phong thấp, tăng cường sức bền bỉ, dẻo dai, giúp cơ thể con người tăng khả năng thích ứng với ngoại cảnh, chống lại “stress”.

3. Hương nhu tía có ở khắp nơi trên đất nước ta nhất là vùng đồng bằng, trung du. Thành phần hóa học là tinh dầu trong đó có eugenol, methyleugenol và Beta-caryophyllen…  Hương nhu tía vị cay, tính ấm, quy vào hai kinh phế, vị. Có tác dụng tán hàn, giải biểu, kích thích tiêu hóa, ăn ngon miệng, lợi niệu; chữa các chứng cảm mạo, cảm nắng, đau đầu sốt không có mồ hôi, phù thủng, đau bụng đi ngoài. Đặc biệt theo tài liệu công bố của Ấn Độ, hương nhu tía còn có tác dụng chống “stress” mạnh hơn cả nhân sâm và ngũ gia bì hương.

4. Linh chi – thành phần hoạt chất độc đáo của dược liệu này chính là cấu trúc các nguyên tố vi lượng đủ loại, trong đó một số khoáng tố như germanium, vanadium, crom… được khẳng định là nhân tố quan trọng cho nhiều loại phản ứng chống ung thư, dị ứng, lão hóa, xơ vữa, đông máu nội mạch, giúp điều chỉnh dẫn truyền thần kinh , bảo vệ cấu trúc tế bào. Khác với các loại thuốc bổ thông thường, linh chi hữu ích cho cơ thể hơn nhiều qua kiểu đòn bẩy. Nó một mặt thanh lọc cơ thể một cách toàn diện và đồng bộ qua tác dụng lợi tiểu và lợi mật, một mặt kích thích nhiều chuỗi phản ứng sinh hóa trong cơ thể nhờ vai trò xúc tác của khoáng tố vi lượng. Linh chi có tác dụng điều hòa củng cố, ổn định các chức năng cơ thể, tăng sức đề kháng, tăng sức dẻo dai, bền bỉ trong lao động trí óc và thể lực cải thiện quá trình chuyển hóa dinh dưỡng và đặc biệt làm tăng tính thích nghi của con người với ngoại cảnh, chống lại “stress”.

Nguồn. Phạm Hinh, Dược liệu làm giảm “Stress”, Tạp chí Đông y – số 471/2013.       

Để lại một bình luận

0888877115
Contact