DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH PHẪU THUẬT

Việc nhịn ăn uống như thế nào hợp lý để tốt nhất cho cuộc mổ và sau mổ nên dinh dưỡng ra sao giúp cơ thể hồi phục tốt nhất là các vấn đề mà người bệnh rất quan tâm. Vì thế, để giúp người bệnh có một thể trạng tốt trước phẫu thuật và nâng cao chất lượng hồi phục sau phẫu thuật thì dinh dưỡng là một trong những vấn đề luôn được quan tâm hàng đầu.

     1.Tại sao phải dinh dưỡng tốt trước mổ?

Một bệnh nhân khi được phẫu thuật sẽ gây ra một tình trạng stress đối với cơ thể. Để đáp ứng với điều này, cơ thể sẽ tiết ra các nội tiết tố làm tăng nhu cầu chuyển hóa, nên sẽ cần nhiều năng lượng hơn bình thường. Sau mổ, cùng với sự lành vết thương, cơ thể sẽ tạo ra quá trình đáp ứng viêm, chính vì thế nhu cầu năng lượng lại càng tăng hơn nữa.

Nếu dinh dưỡng không tốt sẽ chậm lành vết thương, khó cai máy thở (đối với các bệnh nhân phải thở máy sau mổ), suy dinh dưỡng, nhiễm trùng vết mổ…từ đó làm tăng tỉ lệ tử vong chu phẫu cho người bệnh. Việc dinh dưỡng tốt sẽ giảm được thời gian nằm viện, giảm đáng kể tỉ lệ các biến chứng cũng như làm giảm chi phí điều trị cho người bệnh.

  1. Khi vào bệnh viện có nên bổ sung dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch?

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, dinh dưỡng bằng đường miệng tốt hơn nhiều so với truyền dung dịch dinh dưỡng bằng đường tĩnh mạch. Truyền dinh dưỡng đường tĩnh mạch còn góp phần làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, viêm tắc các mạch ngoại vi…Trong khi đó, hệ thống đường ruột là một hàng rào miễn dịch tự nhiên của cơ thể ngăn chặn sự xâm nhập của các vi khuẩn vào máu. Vì thế, chỉ nên dùng dinh dưỡng đường tĩnh mạch khi có chống chỉ định dinh dưỡng qua đường miệng như tắc ruột, viêm phúc mạc cấp, thủng tạng rỗng, viêm tụy cấp…Đối với các bệnh nhân có nguy cơ suy dinh dưỡng nên cần được bổ sung dinh dưỡng, nâng cao tổng trạng trước khi phẫu thuật chương trình, nhờ đó sẽ giảm tỉ lệ biến chứng và tử vong cho người bệnh.

  1. Các bệnh nhân được đánh giá dinh dưỡng như thế nào trước mổ?

Khi vào bệnh viện, các bác sĩ đánh giá dinh dưỡng bệnh nhân qua hỏi bệnh sử, thăm khám và các xét nghiệm hỗ trợ. Có nhiều phương pháp để đánh giá dinh dưỡng trước mổ cho bệnh nhân. Ví dụ như khả năng ăn uống: chán ăn, nôn sau ăn, hay giảm ăn do các bệnh lý thực thể ở đường tiêu hóa như u dạ dày, tắc ruột… Hoặc các phương pháp dựa trên chỉ số khối cơ thể (BMI), số đo vòng cánh tay, vấn đề sụt cân…

Xét nghiệm chỉ số albumin và prealbumin trong máu cũng là một cách để đánh giá dinh dưỡng, mặt khác, 2 chỉ số xét nghiệm này còn được dùng để đánh giá hiệu quả sau khi can thiệp dinh dưỡng cho người bệnh.

  1. Trước ngày được phẫu thuật người bệnh nên ăn uống thế nào để hợp lý?

Trước khi phẫu thuật chương trình, người bệnh phải nhịn ăn để tránh nguy cơ hít sặc dịch dạ dày vào đường thở khi gây mê đặt nội khí quản, vì hít sặc gây viêm phổi hít, tăng nguy cơ tử vong chu phẫu. Đó là lý do lâu nay các bệnh nhân được dặn nhịn ăn, nhịn uống nhiều giờ trước mổ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu gần đây người bệnh trước ngày phẫu thuật chỉ cần nhịn ăn 6 tiếng trước mổ đối với thức ăn đặc, 2 tiếng đối với nước trong. Vì khi nhịn đói lâu hơn, cơ thể sẽ dùng nguồn glucose dự trữ có trong gan và cơ, làm giảm sức cơ, rối loạn đường huyết, chậm lành vết thương do còn quá trình tăng dị hóa đạm sau mổ. Mặt khác, nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ở những bệnh nhân nhịn đói lâu hơn, lượng dịch dạ dày không ít hơn và nguy cơ hít sặc cũng không thấp hơn so với những bệnh nhân nhịn uống chỉ 2 giờ trước phẫu thuật.

  1. Sau mổ nên ăn uống lại khi nào và như thế nào là hợp lý?

Sau mổ, nên cho ăn lại qua đường miệng trong vòng 24 giờ nếu không có chống chỉ định. Dinh dưỡng sớm sẽ duy trì hàng rào chất nhầy của lớp niêm mạc ở ruột, từ đó ngăn vi khuẩn xâm nhập vào máu qua đường tiêu hóa. Nếu không có chống chỉ định, các bệnh nhân nằm hồi sức phải thở máy, dùng vận mạch cũng nên ăn lại bằng đường miệng sớm trong vòng 24 giờ qua sonde dạ dày.

Tóm lại, nhiều nghiên cứu đã chứng minh lợi ích của vấn đề dinh dưỡng trước và sau mổ, dinh dưỡng kém có liên quan đến kết cục sau mổ kém. Xác định các bệnh nhân có yếu tố nguy cơ về dinh dưỡng từ đó có kế hoạch dinh dưỡng hợp lý, nâng cao tổng trạng trước mổ, phòng suy dinh dưỡng sau mổ, giúp bệnh nhân mau hồi phục, xuất viện sớm, giảm được chi phí điều trị từ đó giảm được chi phí y tế cho quốc gia.

Nhịn ăn uống đúng trước mổ, thời gian nhịn ngắn hơn, giúp bệnh nhân giảm được các bất lợi của đáp ứng stress đối với cơ thể mà không làm tăng nguy cơ hít sặc khi làm các thủ thuật gây mê hồi sức. Sau mổ, ăn lại sớm có thể trong vòng 24 giờ được chứng minh là có lợi cho bệnh nhân.

Việc dinh dưỡng tốt và đúng cần có sự phối hợp giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Việc đánh giá dinh dưỡng đúng, can thiệp kịp thời của nhân viên y tế cùng với sự tuân thủ của bệnh nhân sẽ giúp cải thiện và đem lại lợi ích cho chính bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo:

1.Perioperative nutrition; MD Zachary Torgersen, MD Mascus Balter on website:http://svmi.web.ve/wh/intertips/PERIOPERATORIO-NUTRICION.pdf

2.Guidelines for Perioperative Care in Elective Colorectal Surgery: Enhanced Recovery After Surgery (ERAS) Society Recommendation 2018.

BS Ngô Hữu Lộc – Khoa GMHS – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng

One thought on “DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH PHẪU THUẬT

  1. najlepszy sklep says:

    Wow, amazing blog format! How long have you been running a blog for?
    you make blogging glance easy. The overall glance of your site is magnificent, as neatly as the content!
    You can see similar here sklep online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0888877115
Liên hệ