1. Định nghĩa
Viêm túi mật cấp (VTMC) là tình trạng nhiễm khuẩn cấp tính của túi mật, do sự xâm nhập của vi khuẩn, viêm túi mật cấp là một trong những cấp cứu ngoại tiêu hóa thường gặp, thấy ở cả nam và nữ, phần lớn ở độ tuổi trung niên và người lớn tuổi.
2. Triệu chứng của bệnh viêm túi mật cấp
– Toàn thân:
+ Sốt: nhiệt độ dao động từ 38 – 40 0C.
+ Môi khô, lưỡi bẩn, thở hôi, lạnh run.
– Triệu chứng cơ năng
+ Cơn đau quặn gan
• Khởi phát ở vùng thượng vị (trên rốn) hay hạ sườn phải (1/4 bụng trên bên phải), lan ra sau lưng, lên bả vai phải và thường xảy ra vào ban đêm.
• Xuất hiện đột ngột hoặc từ từ, đau âm ỉ hoặc từng cơn.
• Kéo dài liên tục > 6 giờ, mức độ đau tăng dần.
+ Các triệu chứng khác: Buồn nôn hoặc nôn, rối loạn tiêu hóa ở một số trường hợp, nước tiểu vàng…
– Triệu chứng thực thể
Có khi sờ thấy 1 khối đau nếu BN đến muộn có phản ứng thành bụng (bụng co cứng) vùng hạ sườn phải.
Khi có biến chứng do túi mật hoại tử, thủng: Đau bụng lan tỏa, đau khắp bụng, bụng chướng, bí trung đại tiện… kèm theo dấu hiệu nhiễm độc (mạch nhanh, hốc hác, lờ đờ…).
Dấu hiệu vàng da ít gặp (15%), thấy trong: Viêm túi mật cấp có kèm sỏi ống mật chủ gây tắc mật, viêm đường mật, hội chứng Mirizzi, viêm phúc mạc mật [1], [2], [3].
3. Chẩn đoán viêm túi mật cấp
* Theo khuyến cáo của Hội nghị Tokyo 2007 [4], [5]
Chẩn đoán VTMC cần có sự kết hợp lâm sàng và cận lâm sàng
a. Triệu chứng tại chỗ: ấn đau hoặc sờ có khối đau ở hạ sườn phải
b. Dấu hiệu toàn thân: Sốt, CRP (protein C phản ứng) > 3mg/dl, bạch cầu tăng.
c. Chẩn đoán hình ảnh: thấy hình ảnh viêm túi mật cấp trên Siêu âm hoặc CT scan bụng.
Chẩn đoán xác định viêm túi mật cấp khi:
1. Có 1 tiêu chuẩn trong mục a và 1 trong mục b.
2. Mục c khẳng định chẩn đoán khi nghi ngờ trên lâm sàng, sau khi loại trừ viêm gan cấp, các bệnh lý cấp tính trong ổ bụng, viêm túi mật mãn.
4. Điều trị bệnh viêm túi mật cấp
4.1. Nội khoa: Cho bệnh nhân nghỉ ngơi, nhịn ăn, đặt ống thông dạ dày, giảm đau, điều chỉnh nước, điện giải, kháng sinh, ức chế acid.
4.2. Ngoại khoa
4.2.1. Dẫn lưu túi mật.
4.2.2. Cắt túi mật bằng phẫu thuật mở bụng hở.
5.2.3. Cắt túi mật nội soi
Trước đây viêm túi mật cấp được coi là chống chỉ định của cắt túi mật nội soi với những lý do: khó khăn về kỹ thuật do tình trạng viêm dính làm thay đổi các mốc giải phẫu, tỷ lệ chuyển mổ hở và tai biến và biến chứng cao. Nhưng hiện nay, tại bệnh viên đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện gần như thường qui phẫu thuật cắt túi mật nội soi để điều trị viêm túi mật cấp.
6. Các tai biến và biến chứng của phẫu thuật cắt túi mật nội soi
6.1. Tai biến trong mổ
– Chảy máu
– Tổn thương đường mật chính
– Tổn thương tạng trong ổ bụng
– Thủng túi mật và rơi sỏi trong ổ bụng
6.2. Biến chứng sau mổ
– Chảy máu sau mổ: Tỷ lệ gặp từ 0,08 đến 0,3%.
– Rò mật sau mổ: Tỷ lệ gặp từ 0,2-1,5%.
Tài liỆu tham khẢo
1. Lê Quang Minh (2013), “Nghiên cứu chỉ định và đánh giá kết quả điều trị viêm túi mật cấp bằng phẫu thuật cắt túi mật nội soi”, Luận án tiến sĩ y học, Viện nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng 108, Hà Nội.
2. Phạm Văn Năng, Nguyễn Minh Hoàng và CS (2004), “Cắt túi mật nội soi điều trị viêm túi mật cấp”, Y Học thực hành, (491), tr.241-243.
3. Nguyễn Dương Quang (2003), “Viêm túi mật cấp”, Bách khoa thư bệnh học, tập 3, NXB Y học, tr.523-527.
4. Tadahiro Takada, Steven M. Strasberg et al (2013), “Updated Tokyo Guidelines for the management of acute cholangitis and cholecystitis”, J Hepatobiliary Pancreat Sci, 20:1–7
5. Toshihiko Mayumi, Tadahiro Takada et al. (2007), “Result of the Tokyo
Consensus Meeting Tokyo guidelines”, J Hepatobiliary Pancreat Surg 2007, 14, pp.114-121.
Tin cùng chuyên mục:
THÔNG BÁO Số 421/TB-BVĐK ngày 31/12/2024 v/v xin báo giá đơn vị cung cấp linh kiện, vật tư thiết bị y tế
LỊCH TRỰC TUẦN TỪ NGÀY 30/12/2024 ĐẾN HẾT NGÀY 05/01/2025
KHÁM SỨC KHỎE ĐỊNH KỲ – LỰA CHỌN TỐI ƯU CHO CUỘC SỐNG KHỎE MẠNH
THÔNG BÁO Số 419/TB-BVĐK ngày 27/12/2024 v/v xin báo giá cung cấp dịch vụ sửa chữa thiết bị y tế tại Bệnh viện