ĐẬU MÙA KHỈ LAN RA 19 NƯỚC: DẤU HIỆU NHẬN BIẾT LÀ GÌ?

Với đợt bùng phát dịch lớn chưa từng có tại châu Âu, sự trở lại của đậu mùa khỉ – căn bệnh đã bị xóa sổ hơn 40 năm trước – đang dấy lên nhiều mối lo ngại cho nền y tế toàn cầu.
Theo Reuters, từ đầu tháng 5 đến nay, cả thế giới đã ghi nhận 237 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và ca nghi ngờ tại 19 quốc gia.
Tổ chức Y tế Thế giới dự báo con số này sẽ tăng lên, nhưng hầu hết các ca bệnh đều không nghiêm trọng. Cơ quan này cho rằng có thể kiềm chế sự bùng phát của các bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi. Trong khi đó, Chính phủ nhiều nước cho biết sẽ triển khai các đợt tiêm chủng để chống lại sự lây nhiễm của virus đang gia tăng. Các nhà khoa học cho rằng đợt bùng phát này sẽ không tiến triển thành đại dịch như Covid-19, do virus không dễ lây lan như SARS-CoV-2.
Triệu chứng nhận biết đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ là một căn bệnh hiếm gặp, do virus có “họ hàng” với bệnh đậu mùa phổ biến gây ra.
Virus đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus. Virus này có cấu trúc và tính chất gây bệnh tương tự như thủy đậu nhưng bệnh cảnh thường nhẹ hơn.
Theo các báo cáo, bệnh thường kéo dài từ 2 – 4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ thời điểm nào trong khoảng 5 – 21 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Theo CDC Hoa Kỳ, biểu hiện của bệnh tương tự nhưng nhẹ hơn so với bệnh đậu mùa. Bệnh khởi phát với các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ và kiệt sức. Sự khác biệt chính giữa các triệu chứng của 2 bệnh là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên trong khi bệnh đậu mùa thì không.
Đặc điểm chính của bệnh đậu mùa khỉ là phát ban khó chịu, có xu hướng phát triển từ một đến ba ngày sau đó. Nốt phát ban thường bắt đầu trên mặt và sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Các tổn thương sẽ trải qua một quá trình từ dát đến sẩn, mụn nước, sau đó là mụn mủ và cuối cùng đóng vảy trước khi rụng.
Có hai chủng đậu mùa khỉ phổ biến. Đầu tiên là chủng Congo, biểu hiện nặng hơn, tỷ lệ tử vong là 10%. Chủng thứ hai tập trung ở Tây Phi, ít nghiêm trọng, thường gây tử vong cho 1% người mắc bệnh. Hiện các bệnh nhân ở Anh mắc chủng đậu mùa Tây Phi.
Do đó, với vụ dịch hiện tại, hầu hết những người nhiễm bệnh đều hồi phục sau vài tuần, tỷ lệ tử vong không cao. Các cơ quan y tế cũng cảnh báo các yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh diễn tiến nặng, khả năng tử vong cao bao gồm: người mắc bệnh có tiếp xúc lâu dài với virus, trẻ em, người có hệ miễn dịch kém…
Đậu mùa khỉ lây lan qua con đường nào?
Virus đậu mùa khỉ xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương ở da, đường hô hấp hoặc niêm mạc (mắt, mũi hoặc miệng).
Sự lây truyền từ người sang người được cho là chủ yếu xảy ra qua các giọt đường hô hấp lớn, cần phải tiếp xúc trực tiếp lâu dài.
Trước đây, trong y văn ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ lây nhiễm trực tiếp qua tiếp xúc với người nhiễm (tiếp xúc với chăn, ga, gối, trải giường, quần áo, khăn mặt,…) của người nhiễm bệnh. Y văn cũng chưa ghi nhận việc bệnh đậu mùa khỉ có lây qua đường tình dục hay không. Tuy nhiên, theo thông tin từ WHO, nhiều ca mắc bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới và người lưỡng tính.
Tiến sĩ Susan Hopkins, cố vấn y tế chính của Cơ quan an ninh y tế Anh (UKHSA), cho biết: “Một tỷ lệ đáng chú ý các trường hợp mắc đậu mùa khỉ gần đây ở Anh và châu Âu đã được tìm thấy ở nam giới đồng tính và lưỡng tính. Vì vậy, chúng tôi đặc biệt khuyến cáo họ cảnh giác với các triệu chứng và tìm kiếm sự trợ giúp nếu có liên quan”.
UKHSA cũng đã khuyến nghị việc đặc biệt chú ý đến các tổn thương trên cơ quan sinh dục.
Các nhà chức trách ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cũng cho biết các trường hợp mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận của họ chủ yếu là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới. Đa phần các ca bệnh được phát hiện khi họ đi khám sức khỏe sinh dục.
Neil Mabbott, một chuyên gia về dịch bệnh tại Đại học Edinburgh cho biết: “Các trường hợp gần đây cho thấy một phương thức lây lan mới của bệnh. Theo đó, đậu mùa khỉ có khả năng lây lan qua đường tình dục”.
Keith Neal, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham lại nêu quan điểm, sự lây truyền có thể không xảy ra qua hoạt động tình dục mà chỉ là “sự tiếp xúc gần gũi” xảy ra khi quan hệ tình dục.
Tuy nhiên, Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã lên tiếng lo ngại rằng, việc tập trung vào cộng đồng đồng tính nam và lưỡng tính có thể củng cố định kiến kỳ thị đồng tính và phân biệt chủng tộc, đồng thời nhấn mạnh rằng căn bệnh này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai.
CDC Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh trong một tuyên bố rằng: “Bất kỳ ai, bất kể khuynh hướng tình dục, đều có thể lây bệnh đậu mùa khỉ khi tiếp xúc với chất dịch cơ thể, vết loét do bệnh đậu mùa ở khỉ hoặc các đồ dùng chung (như quần áo và giường) đã bị nhiễm mầm bệnh”.
Các nhà khoa học nhận định rằng, căn bệnh này khó lây lan hơn so với dịch Covid-19. Tuy nhiên, bệnh đậu mùa khỉ vẫn có thể trở thành mối đe dọa sức khỏe toàn cầu nếu không có vaccine phòng ngừa kịp thời.
Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp
BS.CKII. Nguyễn Văn Sỏi

Để lại một bình luận

0888877115
Contact