Theo nhiều tài liệu, rắn lục đuôi đỏ là loài rắn độc thường gặp nhất, có vùng phân bố khá rộng, xuất hiện ở hầu hết các vùng rừng trong cả nước. Loài này sống chủ yếu trên cây, hoạt động vào ban đêm, ăn chuột, thằn lằn, ếch, nhái… Nọc độc của rắn lục thường tác động lên nhiều nơi trong cơ thể như: sưng nề hoặc hoại tử vùng bị cắn, rối loạn đông máu gây chảy máu trầm trọng, sốc phản vệ… nếu không kịp thời xử lý sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã cứu sống trường hợp bệnh nhân H.T.Th, 37 tuổi, ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng bị rắn lục đuôi đỏ cắn nhưng nhập viện trễ, gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh nhân nhập viện sau khi bị rắn cắn 7 giờ trong tình trạng nguy kịch: bệnh lơ mơ, mạch và huyết áp không đo được, sưng nhiều vùng chi bị rắn cắn, tiểu ra máu, xuất huyết nhiều nơi,. Sau khi xử trí ban đầu tại Khoa Cấp cứu Tổng hợp, Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn toàn viện và quyết định chuyển bệnh nhân lên Khoa Hồi sức Tích cực & Chống độc để tích cực điều trị cho bệnh nhân vì tiên lượng đây là một ca bệnh nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Tại đây, bệnh nhân đã được đặt nội khí quản thở máy, truyền lượng lớn máu, huyết tương, huyết thanh giải độc rắn. Sau hơn 4 giờ điều trị ban đầu, tình hình của bệnh nhân dần ổn định, huyết áp kiểm soát được, khống chế tình trạng chảy máu. Hiện tại, sau 2 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã tỉnh táo, rút nội khí quản, sinh hiệu ổn, tự ăn uống được và có thể được xuất viện trong vài ngày tới.
Chia sẻ với chúng tôi, BSCKII. Đặng Minh Hiền – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Sau khi tiến hành hội chẩn toàn viện, chúng tôi nhận định đây là một trường hợp tiên lượng nặng, nguy hiểm đến tính mạng nên đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến Khoa Hồi sức Tích cực & Chống độc để điều trị kịp thời. Đến nay, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, cả ekip rất vui mừng vì những cố gắng đã đạt được kết quả như mong đợi. Qua đây, tôi cũng xin khuyến cáo người dân khi đi làm vườn, rẫy cần có bảo hộ lao động, thường xuyên phát quang bụi rậm, giữ vệ sinh nhà cửa, lu nước không cho rắn trú ngụ. Nếu bị rắn cắn cần tiến hành sơ cứu vết thương và nhanh chóng đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời”.
Xúc động kể lại, bệnh nhân nói: “Điều đầu tiên tôi muốn nói sau khi mình khỏe trở lại đó là cám ơn các bác sĩ và nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng đã cứu sống tôi. Tôi nghỉ rằng mình như được tái sinh mình thêm lần nữa. Trong thời gian nằm viện, các bác sĩ và điều dưỡng đã điều trị và chăm sóc tôi rất nhiệt tình, chu đáo nên tôi rất cảm ơn và xúc động vì điều đó. Tôi cám ơn Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng rất nhiều!”.
CÁC BƯỚC SƠ CỨU NÊN LÀM THEO KHUYẾN CÁO CỦA BÁC SĨ
– Trấn an người bệnh.
– Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).
– Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).
– Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường), băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.
– Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng,…) Cố định chân, tay bị cắn.
– Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
– Có thể rửa vết cắn dưới vòi nước sạch với xà phòng rồi sát trùng.
– Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,…). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến.
BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH SÓC TRĂNG
Tin cùng chuyên mục:
LÃNH ĐẠO TỈNH ỦY, UBND TỈNH, CÁC SỞ, NGÀNH ĐẾN THĂM HỎI, TẶNG QUÀ, CHÚC TẾT BỆNH NHÂN VÀ BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH SÓC TRĂNG
SỰ NỖ LỰC CỦA Y BÁC SĨ TRONG NGÀY CẬN TẾT
THÔNG BÁO Số 36/TB-BVĐK ngày 21/01/2025 v/v xin báo giá để làm cơ sở lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng năm 2025
CHỈ THỊ Số 01/CT-BYT ngày 06/01/2025 v/v tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025