BỆNH TÔI MỔ….! “PHẢI GÂY MÊ HAY GÂY TÊ?”

Ngày nay, cùng với sự tiến bộ xã hội, khi kỷ nguyên số phát triển thì người dân dễ dàng tiếp cận với mọi lĩnh vực họ muốn tìm hiểu. Người dân sẽ được cập nhật hoặc tự cập nhật các phương pháp mới trong y khoa cũng được người dân biết đến một cách nhanh chóng và dễ dàng thông qua các diễn đàn, các kênh quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Do đó, khi đến cơ sở khám chữa bệnh, bệnh nhân thường sẽ có yêu cầuđược tiếp cận các phương pháp mới như: phẫu thuật nội soi, nội soi không đau…và hầu hết các bệnh nhân dù lựa chọn phương pháp truyền thống hay hiện đại thì họ vẫn mong muốn sẽ được “không gây đau cho cơ thể trong và sau khi phẫu thuật”. Để đáp ứng nhu cầu “thiết thực của bệnh nhân” và cũng như hoàn thiện dần công tác hỗ trợ tốt cho bệnh nhân về mặt tâm lý trước khi thực hiện phẫu thuật, chuyên ngành Gây mê hồi sức (GMHS) đã và đang không ngừng phát triển, với nhiều kỹ thuật vô cảm khác nhau, mục tiêu là để người bệnh “không sợ khi bước vào cuộc can thiệp ngoại khoa (khi vào mổ) và không đau khi hậu phẫu (sau mổ)”.

Thống kê ngẫu nhiên tại khoa GMHS, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng, đa phần bệnh nhân khi được đưa đến phòng tiền phẫu hay phòng mổ thường vấn đề bệnh nhân quan tâm và hầu hết các bệnh nhân đều hỏi các y, Bác sĩlà “ Bệnh của tôi mổ, gây tê hay gây mê?”

I.Gây mê, gây tê phương pháp nào tốt và an toàn hơn?

Gây mê hay gây tê đều gọi chung là vô cảm. Vô cảm phương pháp làm mất, hủy bỏ một phần hay toàn bộ cảm giác, cảm nhận đau đớn của người bệnh một cách tạm thời bằng các tác nhân, thuốc men có tác dụng ngăn chặn, cắt đứt các xung động thần kinh hướng tâm. Người ta phân làm hai loại vô cảm:

– Vô cảm toàn thể, còn gọi là phương pháp gây mê.

– Vô cảm vùng, còn gọi là phương pháp gây tê [1].

II. Thế nào là gây mê?

Là phương pháp làm mất cảm giác toàn thân đồng thời mất ý thức. Sự mất cảm giác và ý thức chỉ mang tính chất tạm thời. Sau một thời gian, người bệnh sẽ hồi phục lại cảm giác và ý thức một cách hoàn toàn[1].Thông thường bác sĩ gây mê dùng một hay nhiều loại thuốc phối hợp đưa vào cơ thể để tạo tình trạng mê, liều lượng thuốc được điều chỉnh chủ động trên từng bệnh nhân sao cho hồi phục hoàn toàn và không để lại di chứng.

1. Có mấy loại gây mê? Bệnh nào mổ cần gây mê?

Gây mê qua mặt nạ: là phương pháp gây mê bằng cách dùng mặt nạ để cung cấp dưỡng khí và duy trì mê bằng thuốc mê hô hấp. Mê qua mặt nạ có 2 loại: gây mê mặt nạ mặt và gây mê qua mặt nạ thanh quản [1].

Gây mê qua mặt nạ thông thường được chỉ định trong những cuộc thủ thuật, phẫu thuật ngắn trên bệnh có dạ dày đầy (BN không nhịn ăn), vùng mổ không cần dùng dãn cơ.

Gây mê nội khí quản:gây mê toàn diện có đặt ống nội khí quản là một phương pháp vô cảm toàn thân bằng cách đặt ống nội khí quản để thông khí nhân tạo và dùng thuốc mê hô hấp hay tĩnh mạch phối hợp với thuốc dãn cơ và giảm đau để duy trì độ mê của bệnh nhân [1].

Phương pháp này sẽ được chỉ định cho tất cả các cuộc mổ mà người gây mê cần kiểm soát đường hô hấp như mổ vùng đầu – mặt – cổ, vùng bụng trên, lồng ngực; những cuộc mổ lớn, kéo dài, cần hồi sức tích cực; mổ BN dạ dày đầy, tắc ruột…

Gây mê tĩnh mạch: là gây mê toàn thân, không qua đường hô hấp, bằng cách dùng thuốc mê, có phối hợp hoặc không phối hợp với thuốc an thần, thuốc giảm đau tiêm qua đường tĩnh mạch để khởi mê và duy trì mê, người bệnh tự thở dưỡng khí hay khí trời [2].

Gây mê tĩnh mạch sẽ chỉ định trong những cuộc thủ thuật, phẫu thuật ngắn trên bệnh nhân không có dạ dày đầy (BN không nhịn ăn), vùng mổ không cần dùng dãn cơ, nội soi đường tiêu hóa…

– Gây mê phối hợp:là phương pháp phổ biến hiện nay

Dùng nhiều cách,kết hợp các kỹ thuật:Đặt nội khí quản để kiểm soát hô hấp kết hợp  thuốc mê hô hấp, thuốc mê tĩnh mạch, thuốc giảm đau,giãn cơ… nhằm đạt độ mê thích hợp, bệnh nhân không còn đau đớn ổn định huyết động,sinh lý… [1]

III. Thế nào là gây tê?

Gây tê là phương pháp vô cảm sử dụng tác nhân lý-hóa học, làm mất tạm thời cảm giác đau–nóng-lạnh có cả xúc giác nông sâu trên một vùng nhất định của cơ thể, vẫn duy trì ý thức của bệnh nhân. Khi hết tác dụng của tác nhân gây tê, hoạt động thần kinh ở vùng gây tê lại hồi phục bình thường [3].

1. Có mấy loại gây tê – Bệnh nào mổ cần gây tê?

– Gây tê bề mặt (gây tê ngoài da và niêm mạc). Người ta thường gây tê khi can thiệp những vùng niêm mạc như niêm mạc mắt, mũi, họng, niêm mạc khí – phế quản, niêm mạc thực quản, niêm mạc niệu đạo, âm đạo… Cách gây tê này chỉ tác dụng bề mặt, không làm mất cảm giác nông sâu, cho nên khi đè, ép, lôi kéo,…Bệnh nhân vẫn còn cảm giác khó chịu đau đớn.

– Gây tê tại chỗ, tê thấm lớp: tiêm thuốc tê trong da rồi dưới da và tiêm thẳng vào các tổ chức, cơ quan sẽ bị cắt rạch [1]. Chỉ định rộng rãi trên lâm sàng như khâu vết thương. rạch ápxe …

– Gây tê cục bộ, gây tê đám rối: tiêm thuốc tê vào tiếp xúc trực tiếp với đám rối thần kinh hoặc dây thần kinh làm mất cảm giác một vùng rộng lớn do dây thần kinh điều khiển, thường làm mất cảm giác và vận động. Phương pháp này được sử dụng cho phẫu thuật vùng chi trên (tay) phẫu thuật chi dưới (chân).

– Gây tê tủy sống: tiêm một lượng thuốc tê (loại thuốc dành riêng tê tủy sống) vào ống sống qua khe đốt sống thắt lưng (TL) từ TL2 đến TL5 bằng kim chuyên dụng kích thước nhỏ 25G – 27G. Dùng phương pháp gây tê này cho các phẫu thuật vùng bụng dưới, vùng chậu, chi dưới … [4]

– Ngoài ra còn gây tê ngoài màng cứng; gây tê tĩnh mạch vùng; gây tê trong xương…tùy vào điều kiện của bệnh viện và tình trạng thực tế trên bệnh nhân mà bác sĩ gây mê hồi sức lựa chọn phương pháp gây tê hiệu quả an toàn cho người bệnh.

IV. Nơi nào để tôi đến mổ an toàn

1. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng

Năm 2016 Bệnh viên Đa khoa tỉnh Sóc Trăng chuyển về cơ sở mới, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức (PT-GMHS) tiếp quản bao gồm:  Cơ sở hạ tầng hiện đại gồm:12 phòng mổ, khu hậu phẫu bao gồm 15 giường bệnh cả hồi sức, hồi tỉnh và giảm đau. Phòng mổ hiện đại có hệ thống khí sạch đảm bảo vô khuẩn, áp lực dương một chiều, có hệ thống khí trung tâm gồm khí nén, oxy và hút trung tâm, hệ thống đèn mổ ánh sáng lạnh, hệ thống bàn mổ điều khiển các tư thế trong phẫu thuật.

2. Trang thiết bị y tế hiện đại

Trang thiết bị phục vụ, tại Khoa Phẫu thuật GMHS được bệnh viện trang bị toàn bộ hệ thống máy mê (Avance CS2 của Mỹ), máy thở hiện đại của hãng Drager, hệ thống monitor (NIHON KOHDEN của Nhật) theo dõi bệnh nhân, hệ thống bơm tiêm điện…trang thiết bị phục vụ cho phẫu thuật bao gồm: hệ thống máy phẫu thuật nội soi, máy phẫu thuật nội soi 3D, hệ thống tán sỏi lazer, mua sắm các bộ dụng cụ phẫu thuật phục vụ các chuyên ngành Ngoại khoa, bên cạnh đó còn có hệ thống C.Arm giúp bác sĩ phẫu thuật quan sát trực tiếp và có thể chụp ảnh để thực hiện các phẫu thuật về chấn thương chỉnh hình và phẫu thuật đặt máy tạo nhịp tim; phẫu thuật về tai – mũi – họng… 

3. Đội ngũ nhân viên y tế chất lượng cao:

Đội ngũ Bác sĩ được đào tạo chuyên khoa sâu, hàng năm được tập huấn chuyên ngành, dự các hội nghị đồng thuận chuyên ngành…. Hàng tuần được dự hội nghị khoa học, báo cáo khoa học tại bệnh viện có sự tham luận của các diễn giả đầu ngành…

Là tập thể luôn vì người bệnh phục vụ. Bác sĩ, điều dưỡng luôn tận tâm, yêu nghề.

Tài liệu tham khảo:

[1] Nguyễn Văn Chinh (2015). Gây mê hồi sức Lý thuyết và lâm sàng, Nhà xuất bản y học, ĐH y dược Tp. HCM

[2] Nguyễn Thị Kim Bích Liên (2006). Bài giảng Gây mê hồi sức, tập 1, Nhà xuất bản y học, ĐH Y Hà Nội, tr.615

[3]Công Quyết Thắng (2006). Bài giảng Gây mê hồi sức, tập 1, Nhà xuất bản y học, ĐH Y Hà Nội, tr.535

[4] Công Quyết Thắng (2006). Bài giảng Gây mê hồi sức, tập 2, Nhà xuất bản y học, ĐH Y Hà Nội, tr.44

Để lại một bình luận

0888877115
Liên hệ