1. Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh: Thực trạng đáng báo động
Theo báo cáo của trung tâm phòng chống bệnh tật Châu Âu (ECDC), hằng năm ở Châu Âu có trên 25.000 bệnh nhân chết vì nhiễm phải vi khuẩn đa kháng thuốc. Các vi khuẩn kháng thuốc như MRSA, vi khuẩn tiết ESBL… tăng lên rõ rệt hằng năm. Cũng theo ECDC, vi khuẩn tiết ESBL đã tăng 6 lần trong vòng 4 năm từ 2005 đến 2009
Khoảng một thập kỷ trở lại đây vấn đề kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn đã được thông báo nhiều và dày đặc hơn trên các tạp chí chuyên ngành vi sinh, truyền nhiễm. Khác với trước đó, đa phần các bác sỹ rất coi nhẹ đến cụm từ “Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh” bởi vì lúc đó các kháng sinh được kê theo kinh nghiệm có vẻ vẫn có tác dụng tốt trên hầu hết các chủng vi khuẩn gây bệnh.
Thực trạng kháng kháng sinh đã mang tính toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển với các bệnh truyền nhiễm còn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu bệnh tật như: nhiễm khuẩn đường tiêu hoá, đường hô hấp, các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn bệnh viện… đang là gánh nặng thực sự vì sự gia tăng chi phí do phải bắt buộc thay thế các kháng sinh cũ bằng các kháng sinh mới đắt tiền.
Việc kiểm soát các loại bệnh này đã và đang chịu sự tác động bất lợi của sự phát triển và lan truyền tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn. Xu hướng kháng lại các thuốc kháng sinh thường dùng, làm cho thuốc đó không còn tác dụng trên lâm sàng, không còn tác dụng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Khi đó thuốc kháng sinh đang dùng điều trị cho người bệnh không tiêu diệt được vi khuẩn gây bệnh.
Ngay cả khi chúng ta sử dụng kháng sinh với nồng độ cao, thời gian kéo dài. Việc kháng thuốc kháng sinh là một mối hiểm họa to lớn bởi lẽ vi khuẩn gây bệnh sẽ thoải mái lộng hành, phát triển mà không còn sợ hãi trước các vũ khí của con người. Những vi khuẩn kháng thuốc sẽ nhân lên nhanh chóng, lây lan, gây bệnh trước sự bất lực của các bác sỹ.
Gần đây, đã có sự lây lan một cách nhanh chóng của các vi khuẩn Gram âm mang gen kháng kháng sinh mới: gen New Delhi Metallo Beta lactamase 1 (NDM-1) kháng lại được nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay và là lựa chọn cuối cùng mà con người đang có khi xuất hiện vi khuẩn đa kháng thuốc đó là nhóm carbapenem. Lúc đầu các chủng vi khuẩn có gen NDM-1 chỉ có ở Ấn Độ, nhưng đến nay người ta đã phát hiện được ở nhiều nước trên thế giới như Anh, Mỹ, Nhật Bản… Tại Việt Nam cũng đã phát hiện được một số vi khuẩn đường ruột có mang gen NDM-1.
Các vi khuẩn thường gặp trong bệnh viện ở Việt Nam theo báo cáo của ASTS (Chương trình theo dõi kháng kháng sinh) của nước ta năm 2006 bao gồm các vi khuẩn: E.coli, trực khuẩn mủ xanh, Klebsiella, A.baumannii, tụ cầu vàng. Tại các bệnh viện lớn như Bạch mai, Chợ Rẫy, Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108, Bệnh viện Trung ương Huế… các vi khuẩn nêu trên có tỷ lệ kháng rất cao với các kháng sinh thường dùng, cụ thể là với E.coli các kháng sinh hay sử dụng để điều trị là gentamicin và cefotaxim đã bị kháng lần lượt là 51% và 50,3%. Tụ cầu vàng kháng methiciline là 41,7%, đây chính là các chủng MRSA (2010).
Đặc biệt với Acinetobacter baumannii, một căn nguyên nhiễn trùng bệnh viện hàng đầu hiện nay thì tỷ lệ kháng kháng sinh đã ở mức báo động đỏ cụ thể là với hơn 3000 chủng A. baumannii phân lập được tại 7 bệnh viện lớn, đại diện cho 3 miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam. Kết quả cho thấy vi khuẩn này đã có tỷ lệ kháng cao với hầu hết các kháng sinh thông thường dùng trong bệnh viện (tỷ lệ kháng trên 70% ở 13 trên tổng số 15 loại kháng sinh được thử nghiệm). Trong đó tỷ lệ kháng với nhóm carbapenem với 2 đại diện imipenem và meropenem lần lượt là: 76,5% và 81,3%. Nhóm cephalosporin kháng trên 80%, trong đó kháng 83,9% với cefepim, 86,7% với ceftazidin, 88% với cefotaxim, 93,1% với ceftriaxone (2013).
Thuốc kháng sinh được coi là một giải pháp cho loài người trong điều trị các bệnh do nhiễm vi khuẩn. Nhờ có thuốc kháng sinh mà chúng ta có thể kiểm soát được nhiều dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay con người đang sử dụng kháng sinh chưa thật hợp lý, chính điều này đang dẫn nhanh tới tình trang kháng thuốc của vi khuẩn.
Tại sao vi khuẩn lại kháng được thuốc kháng sinh?
Để trả lời câu hỏi này, từ lâu các nhà khoa học đã đi sâu vào nghiên cứu cơ chế kháng lại các kháng sinh của vi khuẩn. Thật ngạc nhiên và rất thú vị là vi khuẩn dù rất bé nhỏ nhưng lại có muôn vàn phương kế để đối phó với con người và hầu như chúng ta luôn chạy theo sau vi khuẩn. Các kháng sinh mới, đắt tiền, vừa được đưa vào sử dụng rộng rãi thì ngay sau đó không lâu đã xuất hiện các chủng vi khuẩn kháng lại kháng sinh đó.
Có rất nhiều cách để vi khuẩn làm mất tác dụng của kháng sinh, nhưng gộp chung lại có 3 nhóm nguyên nhân chính để vi khuẩn có thể qua mặt được chúng ta đó là:
Một là: Vi khuẩn có cách để làm hạn chế việc xâm nhập của các kháng sinh vào bên trong tế bào vi khuẩn. Dẫn đến kháng sinh sẽ ít có cơ hội tác động để tiêu diệt vi khuẩn. Ở nhóm nguyên nhân này, vi khuẩn có thể gia tăng củng cố các màng bảo vệ của chúng ví dụ như màng ngoài (outer membrane) ở các vi khuẩn gram âm hoặc sử dụng các bơm đẩy từ bên trong tế bào để bơm kháng sinh ra ngoài như ở trực khuẩn mủ xanh, Acinetobacter sp… (nếu như kháng sinh đã lọt vào trong tế bào vi khuẩn). Ở nhóm nguyên nhân này, vi khuẩn chống chọi bằng cách mặc áo giáp và dùng bơm công suất lớn đẩy kháng sinh ra ngoài. Phần lớn vi khuẩn gram âm sống ở đại tràng của người đều có cơ chế này để kháng lại các kháng sinh nhóm beta-lactam.
Hai là: vi khuẩn sản xuất ra các men (enzymes) để phá hủy các kháng sinh. Hiện tượng tổng hợp nên các enzym phân huỷ kháng sinh là một hiện tượng rõ nét ở vi khuẩn tụ cầu vàng và các vi khuẩn đường ruột. Ở tụ cầu vàng, chúng thường tổng hợp nên các men ß-lactamase bẻ gãy vòng lactam của các kháng sinh nhóm ß-lactam. Ở các vi khuẩn đường ruột như E.coli, Klebsiella sp… thì chủ yếu là sản xuất ra các men ß-lactamase phổ rộng (ESBL). Với các chủng sinh ESBL này vi khuẩn có thể kháng lại được hầu hết các kháng sinh ß-lactam trừ một số kháng sinh mới và đắt tiền như imipenem, meronem… Đặc biệt gần đây người ta nói nhiều đến vi khuẩn có NDM-1 (viết tắt của men phá hủy kháng sinh là New Delhi Metalo-Beta Lactamase) là những vi khuẩn siêu kháng thuốc kháng lại được tất cả các kháng sinh thường dùng kể cả 2 loại kháng sinh mới và đắt tiền vừa nêu ở trên. Ở nhóm nguyên nhân này, khi các kháng sinh đủ mạnh để qua được áo giáp của vi khuẩn và không bị bơm đẩy ra ngoài thì vi khuẩn sẽ sử dụng hóa chất (ở đây là các enzyme) để phá hủy cấu trúc của kháng sinh.
Ba là: Vi khuẩn che chắn hoặc làm biến đổi các đích tác động của kháng sinh làm mất hiệu lực của kháng sinh. Hiện tượng này là do nguồn gốc từ các đột biến gen trên nhiễm sắc thể hoặc plasmide bên trong tế bào vi khuẩn. Đối với nhóm kháng sinh beta-lactam, muốn tiêu diệt vi khuẩn thì kháng sinh này phải bám vào được các đích tác động đó là các PBP (protein gắn penicillin). Việc giảm ái lực của các PBP với các thuốc nhóm beta-lactam có thể do đột biến gene ở nhiễm sắc thể, hoặc do mắc phải gene bên ngoài có các PBP mới thông qua các plasmid. Cơ chế này thường gặp với các cầu khuẩn gram dương, như Staphylococcus aureus và Streptococcus pneumonia, nhưng rất hiếm gặp ở vi khuẩn gram âm. Tương tự như vậy là sự đột biến gen để biến đổi vị trí gắn của kháng sinh ở tiểu đơn vị ribosom đích bên trong tế bào vi khuẩn dẫn đến giảm hoạt tính của các kháng sinh macrolides, clindamycine, nhóm aminoglycosides,…
Sự biến đổi này làm cho kháng sinh không đủ khả năng ức chế tổng hợp protein cũng như sự tăng trưởng của vi khuẩn. Sự đột biến gen mã hóa cho men DNA-gyrase gây ra đề kháng quinolone. DNA-gyrase là men cần thiết cho hoạt tính của các quinolone. Nhóm nguyên nhân này chúng ta thấy vi khuẩn sử dụng các yếu tố sinh học (các đột biến gen) để làm mất tác dụng của kháng sinh.
Như vậy, vi khuẩn đã sử dụng đủ các loại vũ khí như hóa học, sinh học, vật lý để chống lại các kháng sinh mà loài người chúng ta tạo ra để tiêu diệt chúng. Thời khắc mà vi khuẩn dơ tay đầu hàng các bác sỹ có lẽ còn rất lâu.
Làm sao hạn chế được vi khuẩn kháng thuốc?
Sự kháng thuốc kháng sinh, xét về bản chất là do việc sử dụng kháng sinh không đúng gây ra. Theo những quan điểm tiến hoá thì sự kháng thuốc sẽ xảy ra dần dần vì vi khuẩn phải có thời gian để đột biến. Thời gian này có thể là 10 năm, có thể là 30 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng chính sự sử dụng kháng sinh không đúng đã làm cho hiện tượng đột biến xảy ra nhanh hơn, mạnh hơn và thời gian kháng thuốc sẽ ngắn dần.
Để phòng ngừa sự kháng thuốc kháng sinh, ngoài sự quy chuẩn của y tế, ngay bản thân những người bệnh là những người quyết định đến vận mệnh chống nhiễm trùng của mình nhất. Những biện pháp sau được xem là có tác dụng:
– Không lạm dụng thuốc kháng sinh như một thuốc thông thường. Chúng ta không nên chỉ đau, ho là đã ngay lập tức sử dụng kháng sinh vì những triệu chứng trên chưa hẳn là biểu hiện của một bệnh nhiễm khuẩn. Nên nhớ, kháng sinh chỉ có tác dụng khi có mầm bệnh là vi khuẩn gây bệnh.
– Chỉ sử dụng kháng sinh khi chắc chắn có dấu hiệu hay bằng chứng của sự nhiễm trùng. Trong một số trường hợp, dự đoán chắc chắn nhiễm trùng nặng sẽ xảy ra thì có thể sử dụng kháng sinh dự phòng nhưng nên nhớ chỉ sử dụng ở một liều tối thiểu.
– Cần chấm dứt ngay việc sử dụng kháng sinh khi đã đủ liệu trình cho phép nhưng cũng không được kết thúc quá sớm trước thời gian tiêu chuẩn. Sử dụng quá lâu sẽ làm cho vi khuẩn có cơ hội “tìm hiểu” kháng sinh và đột biến mạnh hơn. Còn kết thúc quá sớm sẽ làm cho vi khuẩn có nguy cơ hồi sinh và do đó có “kinh nghiệm” chinh chiến nhiều hơn để thay đổi. Cả hai biểu hiện này cần tuyệt đối tránh khi có sử dụng kháng sinh trong điều trị.
– Cần sử dụng đúng kháng sinh với đúng loại mầm bệnh. Tránh sử dụng kháng sinh tuỳ tiện, sử dụng mà không cần thăm khám. Việc sử dụng đúng kháng sinh sẽ hạ thấp được liều điều trị, thành công hoá mục tiêu kiểm soát và sẽ hạn chế tối đa sự kháng thuốc.
– Nếu có điều kiện, nên lựa chọn kháng sinh sau khi có kết quả làm kháng sinh đồ.
Theo PGS.TS. Phan Quốc Hoàn
Khoa Sinh học Phân tử – Bệnh viện TƯQĐ 108
2. US.FDA: Khuyến cáo thận trọng khi kê đơn chứa kháng sinh Clarithromycin cho bệnh nhân có bệnh lý tim
Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (US.FDA) đã đưa ra khuyến cáo thận trọng khi kê đơn kháng sinh Clarithromycin cho bệnh nhân có bệnh lý tim do có khả năng tăng nguy cơ các vấn đề trên tim hoặc tử vong.
Khuyến cáo này dựa trên kết quả thử nghiệm lâm sàng CLARICOR kéo dài 10 năm trên bệnh nhân có bệnh lý mạch vành. Nghiên cứu đã ghi nhận sự gia tăng số trường hợp tử vong ngoài dự đoán ở nhóm những bệnh nhân mắc bệnh lý mạch vành có tiền sử sử dụng Clarithromycin trong 2 tuần.
Nhân viên y tế cần nắm thông tin về nguy cơ của Clarithromycin trên lâm sàng, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ trước khi kê đơn cho bệnh nhân, xem xét lựa chọn kháng sinh khác thay thế, đặc biệt trên bệnh nhân có bệnh lý về tim kể cả khi điều trị ngắn hạn. Cần thông tin cho bệnh nhân các triệu chứng có thể gặp trên tim mạch để bệnh nhân báo ngay cho bác sĩ như: đau ngực, nhịp thở ngắn hoặc rối loạn khi thở, đau hoặc yếu một phần cơ thể, nói lắp.
Nguồn: canhgiacduoc.org.vn
3. Tổng hợp tác dụng không mong muốn của các thuốc tim mạch
Dưới đây là thông tin về một số tác dụng không mong muốn của
các thuốc tim mạch mà cán bộ y tế cần lưu ý trong quá trình theo dõi việc sử
dụng thuốc để có chiến lược lựa chọn phù hợp cho bệnh nhân nhằm nâng cao hiệu
quả khám chữa bệnh và đảm bảo công tác sử dụng thuốc an toàn hiệu quả đã được
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phê duyệt trong tài liệu “Hướng
dẫn thực hành dược lâm sàng cho dược sỹ trong một số bệnh không lây nhiễm” ban
hành vào tháng 08/2019.
Nhóm thuốc | Tác dụng không mong muốn |
Ức chế men chuyển(UCMC)/Chẹn thụ thể angiotensin (CTTA) | – Phù mạch: hiếm gặp đối với nhóm thuốc CTTA, CTTA an toàn cho bệnh nhân có tiền sử phù mạch – Suy thận cấp, suy giảm chức năng thận – Ho khan: tần suất xảy ra ho khan của nhóm bệnh nhân sử dụng CTTA tương đương với placebo và thấp hơn UCMC trong hầu hết các thử nghiệm lâm sàng – Tăng kali máu – Hạ huyết áp |
Chẹn beta | – Mệt mỏi, chóng mặt – Phù, ứ dịch – Tụt huyết áp – Chậm nhịp tim – Làm mờ triệu chứng hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường – Co thắt phế quản (hiếm gặp) |
Chẹn kênh canxi dihydropyridin |
– Chóng mặt – Đỏ mặt – Tăng sản nướu – Nôn ói – Phù mạch – Tụt huyết áp thế đứng – Tim đập nhanh do phản xạ |
Chẹn kênh canxi nondihydropyridin |
– Chậm nhịp tim – Hạ huyết áp – Phù ngoại vi – Diltiazem: chóng mặt, nôn ói – Verapamil: táo bón |
Lợi tiểu thiazid |
– Tụt huyết áp – Hạ magie máu – Hạ kali máu – Tăng canxi máu – Tăng ure – Suy giảm chức năng thận – Nhạy cảm ánh sáng |
Lợi tiểu quai |
– Tụt huyết áp – Hạ magie máu – Hạ kali máu – Hạ canxi máu – Tăng ure máu – Suy giảm chức năng thận – Nhạy cảm ánh sáng |
Kháng aldosteron | – Tăng kali máu – Nữ hóa tuyến vú ở nam giới, rối loạn kinh nguyệt |
Hydralazin |
– Đau đầu – Tụt huyết áp – Triệu chứng tương tự lupus |
Nitrat |
– Đau đầu – Chóng mặt – Tụt huyết áp – Đỏ bừng mặt |
Ivabradin |
– Chậm nhịp tim – Hiện tượng đom đóm mắt, nhìn mờ – Khởi phát rung nhĩ |
Amiodaron |
– Tụt huyết áp – Chậm nhịp tim – Kéo dài khoảng QT – Mất sắc tố da – Rối loạn chức năng tuyến giáp – Buồn nôn – Lắng cặn giác mạc |
Glycosid tim |
– Rối loạn tiêu hóa – Chóng mặt, nhức đầu – Phát ban – Loạn nhịp |
Chống kết tập tiểu cầu |
– Xuất huyết tiêu hóa – Chảy máu |
Thuốc chống ĐTN khác: ranoazin |
– Chóng mặt, đau đầu – Kéo dài QT – Phù ngoại vi |
II. CẢNH GIÁC DƯỢC
1. ANSM: Ngày 12/11/2019, Cơ quan quản lý Dược phẩm Pháp cảnh báo cần nghĩ ngay đến thuốc ức chế men chuyển, thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II (các sartan) và các gliptin khi xuất hiện phù bradykinin
Phù bradykinin đã được báo cáo ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển và cả các thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II và các gliptin. Biểu hiện phù này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, ANSM cảnh báo các cán bộ y tế và bệnh nhân cần đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu gợi ý loại phù này khi dùng các thuốc kể trên.
Thông tin cho các cán bộ y tế
Phù bradykinin xảy ra do giảm thoái hóa bradykinin. Nguyên nhân có thể do di truyền (liên quan hoặc không đến sự thiếu hụt chất ức chế C1) hoặc từ việc sử dụng thuốc do ức chế các enzym có vai trò gây thoái hóa bradykinin, đặc biệt là các enzym chuyển đối với các thuốc ức chế men chuyển hoặc thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II (các sartan) và enzym dipeptidylpeptidase đối với các gliptin.
Các biểu hiện của loại phù này thường ở dạng phù nề dưới da, không có ngứa, khởi phát đột ngột, tập trung chủ yếu ở vùng mặt, lưỡi hoặc đường hô hấp trên (tổn thương thanh quản 30% nếu phù ở mặt) ở một bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển hoặc hiếm hơn bằng các sartan. Phù là biểu hiện độc lập và không liên quan đến nổi mề đay hoặc các biểu hiện khác gợi ý đến sốc phản vệ xuất hiện và tiến triển trong vài giờ hoặc vài ngày.
Phù bradykinin có biểu hiện nặng hơn nhưng ít phổ biến hơn so với phù qua trung gian IgE. Biểu hiện của loại phù ngày có thể khu trú ở niêm mạc tiêu hóa và gây biểu hiện đau bụng với cường độ khác nhau. Không giống như phù qua trung gian giải phóng histamin, phù bradykinin thoái lui một cách tự nhiên mặc dù vẫn tiếp tục sử dụng thuốc nghi ngờ, điều này thường dẫn đến việc không đưa ra giả thuyết nguyên nhân do thuốc. Trái ngược với các loại phù bradykinin do di truyền hoặc mắc phải, mức độ ức chế C1 (thực thể hoặc chức năng) và C4 là bình thường.
Thời gian khởi phát dao động từ vài giờ đến vài năm sau khi bắt đầu dùng thuốc và co giật có thể trở nên thường xuyên hơn và/hoặc nghiêm trọng hơn, luôn luôn có xu hướng phổ biến hơn ở vùng tai-mũi-họng. Ở một số bệnh nhân, phù bradykinin có thể xảy ra trong vòng 6 tháng sau khi ngừng thuốc ức chế men chuyển hoặc các sartan, điều này có thể làm phức tạp thêm chẩn đoán.
Sự kết hợp của một chất ức chế men chuyển hoặc sartan với một số loại thuốc làm tăng nồng độ bradykinin, đặc biệt là thuốc ức chế dipeptidyl peptidase IV (nhóm gliptin), làm tăng nguy cơ phát triển phù bradykinin.
Tóm lại, việc chẩn đoán phù bradykinin khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển hoặc sartan rất khó thực hiện vì hiện tại không có phương pháp chẩn đoán sinh học nhanh chóng để xác định. Loại phù này cũng ngày càng có nguy cơ cao gây ngạt trong trường hợp phù khu trú ở thanh quản.
Sự kết hợp của thuốc ức chế men chuyển hoặc sartan với các với gliptin làm tăng nguy cơ xuất hiện phù bradykinin.
Nếu bệnh nhân xuất hiện phù bradykinin sau khi được điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển hoặc sartan, cần ngừng thuốc ngay lập tức và chống chỉ định sử dụng lại các thuốc này.
Thông tin cho bệnh nhân
Nếu bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng nào của phù như sưng mặt, môi lưỡi hoặc cổ họng, khó nuốt hoặc khó thở và/hoặc đau bụng với cường độ khác nhau, biểu hiện này có thể là do việc dùng một số loại thuốc. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ khẩn cấp.
Phù bradykinin đã được báo cáo ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển và cả thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II (các sartan) và gliptin. Sự kết hợp của các loại thuốc này với nhau làm tăng nguy cơ phù.
Thuốc ức chế men chuyển và thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II được sử dụng trong điều trị huyết áp cao và các gliptin được sử dụng trong điều trị bệnh tiểu đường.
Nếu bệnh nhân đã có những triệu chứng kể trên với bất kỳ loại thuốc nào trong số này, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị.
Các thuốc ức chế men chuyển: Benazepril, Captopril, Cilazapril, Delapril, Enalapril, Fosinopril, Lisinopril, Perindopril, Tanatril, Trandolapril, Zofenopril
Thuốc đối kháng thụ thể angiotensin II (các sartan): Azilsartan, Candesartan, Eprosartan, Irbesartan, Losartan, Olmesartan, Telmisartan, Valsartan
Các gliptin: Sitagliptin, Vildagliptin, Linagliptin, Alogliptin, Saxagliptin
Nguồn: canhgiacduoc.org.vn
2. Thuốc chống đông đường uống tác động trực tiếp và nguy cơ biến cố huyết khối tái phát.
Cảnh báo từ TGA Ngày 26/8/2019, Cơ quan Quản lý các Sản phẩm Điều trị Úc (TGA) đã đưa ra cảnh báo về các thuốc chống đông đường uống tác động trực tiếp (DOAC) và nguy cơ các biến cố huyết khối tái phát.
Cán bộ y tế được khuyến cáo rằng Tờ hướng dẫn sử dụng của các thuốc chống đông đường uống tác động trực tiếp lưu hành tại Úc sẽ được cập nhật thông tin mới về gia tăng nguy cơ biến cố huyết khối tái phát ở bệnh nhân mắc hội chứng antiphospholipid (APS). Các thuốc DOAC lưu hành tại Úc bao gồm apixaban (tên thương mại Eliquis), dabigatran etexilat (Pradaxa) và rivaroxaban (Xarelto). Theo kết quả rà soát của EMA, việc sử dụng các thuốc DOAC ở bệnh nhân mắc hội chứng antiphospholipid có thể liên quan đến gia tăng tỷ lệ biến cố huyết khối tái phát so với việc điều trị bằng thuốc kháng vitamin K. Mức độ bằng chứng tăng nguy cơ này khác nhau giữa các thuốc, nhưng không có đủ bằng chứng cho thấy bất kỳ DOAC nào cũng an toàn cho bệnh nhân mắc hội chứng antiphospholipid, đặc biệt ở bệnh nhân có nguy cơ cao như dương tính với cả 3 loại kháng thể lupus anticoagulant, anticardiolipin và anti-beta2-glycoprotein I. TGA đã rà soát vấn đề an toàn trên và đang làm việc với nhà cung cấp để cập nhật tờ Hướng dẫn sử dụng của apixaban, dabigatran etexilat và rivaroxaban về nguy cơ trên.
Nguồn: canhgiacduoc.org.vn
3. MHRA: sử dụng công thức ước tính chức năng thận phù hợp để tránh nguy cơ gặp các phản ứng có hại của thuốc khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân suy thận
Điểm tin đáng chú ý từ bản tin Drug Safety Update tháng 10/2019
Độ lọc cầu thận ước tính (estimated Glomerular Filtration Rate – eGFR) và độ thanh thải creatinin (Clcr) là 2 thông số ước tính chức năng thận phổ biến với các bác sĩ. Các thử nghiệm lâm sàng thường báo cáo chức năng thận dựa vào eGFR trên 1,73 m2 diện tích bề mặt cơ thể. Với hầu hết các thuốc và hầu hết trường hợp, eGFR là thông số ước tính chức năng thận chấp nhận được.
Tuy nhiên, eGFR có thể ước tính quá mức chức năng thận so với Clcr ở một số bệnh nhân hoặc một số trường hợp. Việc ước tính cao hơn có thể dẫn đến bệnh nhân dùng thuốc liều cao hơn khuyến cáo với các thuốc cần hiệu chỉnh liều theo chức năng thận.
Khuyến cáo cán bộ y tế
– MHRA đã nhận được các báo cáo và thắc mắc liên quan đến lựa chọn công thức ước tính chức năng thận khi kê đơn thuốc cho bệnh nhân suy thận
– Với hầu hết các thuốc và hầu hết người lớn trưởng thành với cân nặng và chiều cao trung bình, nên dùng eGFR để xác định cần hiệu chỉnh liều hay không
– Độ thanh thải creatinin nên tính toán dựa vào công thức Cockcroft-Gault để xác định hiệu chỉnh liều với các thuốc trong các trường hợp sau:
+ Thuốc chống đông đường uống tác dụng trực tiếp (DOACs)
+ Bệnh nhân dùng thuốc có độc tính trên thận (ví dụ vancomycin và amphotericin B)
+ Bệnh nhân có BMI < 18 kg/m2 hoặc > 40 kg/m2
+ Bệnh nhân dùng các thuốc thải trừ chủ yếu qua thận và có khoảng điều trị hẹp như digoxin và sobatol
– Khi cần thiết hiệu chỉnh liều dựa vào Clcr và không có hướng dẫn trong chuyên luận của BNF, cần tham khảo Tóm tắt đặc tính sản phẩm
– Đánh giá lại chức năng thận và liều thuốc trong trường hợp eGFR và/hoặc Clcr thay đổi nhanh, ví dụ trong trường hợp bệnh nhân bị tổn thương thận cấp.
Nguồn: canhgiacduoc.org.vn
4. Cảnh giác với tác dụng phụ nghiêm trọng trên da của thuốc điều trị gút Allopurinol
Allopurinol là thuốc được sử dụng phổ biến để điều trị gút. Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng trên da dẫn đến tăng nguy cơ tử vong.
Tác dụng phụ trên da của allopurinol
Allopurinol là thuốc giảm tổng hợp acid uric thông qua ức chế enzym xanthin oxidase. Thuốc được dùng lâu dài để ngăn ngừa xảy ra cơn gút cấp và giảm tổn thương khớp trong bệnh gút. Tuy nhiên, một số tác dụng không mong muốn nghiêm trọng trên da có thể xảy ra khi dùng thuốc, bao gồm hội chứng Steven – Johnson (SJS) và hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN). SJS và TEN có biểu hiện với các triệu chứng giả cúm, sốt cao, ban đỏ lan rộng, bong tróc da, bọng nước, ban xuất huyết, viêm loét, hoại tử niêm mạc và loét các hốc tự nhiên. Tổn thương còn có thể xảy ra đồng thời trên các cơ quan khác như gan, thận… SJS và TEN do allopurinol được ghi nhận với tỷ lệ dưới 1% nhưng nguy cơ tử vong lên tới 39%.
SJS và TEN có biểu hiện với các triệu chứng giả cúm, sốt cao, ban đỏ lan rộng.
SJS và TEN có thể xảy ra ngay sau khi bắt đầu điều trị, thời gian khởi phát trung bình khoảng 3-4 tuần và hơn 90% xảy ra trong vòng 3 tháng đầu tiên. Yếu tố nguy cơ khởi phát SJS và TEN khi sử dụng allopurinol là người mang gen HLA-B*58:01. Nữ giới có nguy cơ mắc nhiều hơn so với nam giới. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ khác: liều cao, suy giảm chức năng thận và tương tác thuốc.
Các biện pháp phòng tránh tác dụng phụ của Allopurinol
Cân nhắc sàng lọc kiểu gen HLA-B*58:01 trước khi bắt đầu sử dụng thuốc. Bắt đầu điều trị với liều thấp (100mg) và tăng liều từ từ mỗi 2-5 tuần đến khi đạt acid uric máu mục tiêu. Liều tối đa: 800mg/ngày. Giảm liều ở người bệnh có suy thận. Theo dõi chặt chẽ các tác dụng không mong muốn, đặc biệt trong 3 tháng điều trị đầu tiên. Người bệnh cần ngừng thuốc và đi khám bác sĩ ngay khi có phản ứng ngoài da (bọng nước, ban đỏ, bong da) hay các biểu hiện sốt, loét các hốc niêm mạc (miệng, bộ phận sinh dục…). Trong quá trình điều trị, nên uống nhiều nước (2-3 lít/ngày) nhằm giảm nguy cơ lắng đọng xanthin tại thận.
Nguồn: canhgiacduoc.org.vn
III. THUỐC – MỸ PHẨM ĐÌNH CHỈ LƯU HÀNH
Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành một số thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng sau: – Thu hồi toàn quốc viên nén bao phim AMK625, số lô: 99R002, ngày SX: 09/4/2018, HD: 09/4/2020 do Công ty R.X. Manufacturing Co., Ltd. (Thailand) sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu Độ hòa tan (Amoxicillin).
– Thu hồi toàn quốc viên nang mềm Halaxamus (Acetylcystein 200 mg), SĐK: VD-25911-16, Số lô: 6880119; SX: 11/6/2019; HD: 11/6/2022 do Chi nhánh Công ty Cổ phần Dược phẩm Phong Phú – Nhà máy sản xuất dược phẩm Usarichpharm sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định lượng.
– Tạm dừng nhập khuẩu, phân phối, sử dụng thuốc viên nén LIV Z Tablets (Levocetirizine dihydrochloride 5mg) do công ty Maxtar Bio-Genics India sản xuất, Công ty Cổ phần Dược liệu Trung ương 2 (Phytopharma) nhập khẩu vì thuốc này chứa đồng phân cetirizine.
Nguồn: Cục Quản lý Dược – BYT
IV. TRUYỀN THÔNG GIÁO DỤC SỨC KHỎE
1. Tim mạch
Các bệnh lý tim mạch là vấn đề sức khỏe được quan tâm hàng đầu trên thế giới, bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh tim mạch, đặc biệt khi trên 40 tuổi. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh (CDC) cho biết bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Hoa Kỳ. Khám sức khỏe thường xuyên là một thói quen sống mà bạn có thể thực hiện. Bằng cách này, một vài vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể được phát hiện càng sớm càng tốt. Một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như tăng huyết áp, có thể được điều trị bằng thuốc để giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và chữa trị kịp thời khi gặp các dấu hiệu sau:
2. Đột quỵ
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo rằng tỷ lệ ca đột quỵ trên thế giới sẽ tăng nhanh với con số dự kiến khoảng 1,2 triệu người mắc mới mỗi năm.
Theo thống kê năm 2016 của Tổ chức Đột quỵ Thế giới (WSO), Việt Nam là nước có số ca đột quỵ cao trên thế giới khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm và tỷ lệ tử vong chiếm tới 50%, số còn lại may mắn qua khỏi nhưng phải sống với các di chứng nặng nề. Vì vậy việc hiểu rõ nguyên nhân, cách nhận biết và phương pháp sơ cứu là vô cùng quan trọng để cấp cứu người bệnh.
Hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và chữa trị kịp thời khi gặp các dấu hiệu sau:
Nguồn: Website Sở Y tế TP. HCM
Tin cùng chuyên mục:
DANH SÁCH NGƯỜI THỰC HÀNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH SÓC TRĂNG
LỊCH TRỰC TUẦN TỪ NGÀY 18/11/2024 ĐẾN HẾT NGÀY 24/11/2024
QUYẾT ĐỊNH Số 1261/QĐ-BVĐK ngày 15/11/2024 về việc hủy kết quả trúng tuyển
THÔNG BÁO Số 350/TB-BVĐK ngày 13/11/2024 về việc chào giá cung cấp hàng hóa, dịch vụ