BẢN TIN SỐ 1 – NĂM 2022 THÔNG TIN THUỐC

  1. THÔNG TIN THUỐC
  2. Cục Quản lý Dược Việt Nam phê duyệt chỉ định của dapagliflozin trong điều trị suy tim

Ngày 28/3/2022, Cục Quản lý Dược Việt Nam đã phê duyệt thêm 2 chỉ định mới cho dapagliflozin (một thuốc điều trị đái tháo đường nhóm SGLT2i):

  1. Giảm nguy cơ nhập viện do suy tim ở bệnh nhân trưởng thành bị đái tháo đường typ 2 và có tiền sử bệnh lý tim mạch hoặc nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch.
  2. Giảm nguy cơ tử vong tim mạch và nhập viện do suy tim ở bệnh nhân trưởng thành bị suy tim (phân loại NYHA II-IV) với phân suất tống máu giảm đối với dapagliflozin.

Trước đó, Cục Quản lý Dược Việt Nam đã phê duyệt chỉ định của dapagliflozin để kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2.

Liều khuyến cáo của dapagliflozin là 10 mg đường uống, 1 lần/ngày. Thông tin về sử dụng thuốc trên bệnh nhân suy giảm chức năng thận như sau:

 

 

Chỉ định Liều khuyến cáo dựa trên eGFR (ml/phút/1,73m2, CKD-EPI)
≥ 45 30 – 45 < 30 Bệnh thận giai đoạn cuối (ESRD)/lọc máu
Kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân bị đái tháo đường typ 2 Không yêu cầu điều chỉnh liều Không khuyến cáo Chống chỉ định
Giảm nguy cơ nhập viện do suy tim ở bệnh nhân bị đái tháo đường typ 2, có bệnh lý tim mạch hoặc nhiều yếu tố nguy cơ tim mạch Không yêu cầu điều chỉnh liều Không đủ dữ liệu để hỗ trợ cho liều khuyến cáo Chống chỉ định
Giảm nguy cơ tử vong tim mạch và nhập viện do suy tim ở bệnh nhân suy tim phân suất tống máu giảm, có hoặc không có đái tháo đường Không yêu cầu điều chỉnh liều Không đủ dữ liệu để hỗ trợ cho liều khuyến cáo Chống chỉ định

 

Các thay đổi khác về tờ thông tin sản phẩm của dapafliflozin (Forxiga) có thể tham khảo tại link sau: CV-2111-QLD-ĐK.pdf

  1. FDA mở rộng chỉ định của empagliflozin trong điều trị suy tim phân số tống máu bảo tồn

Ngày 24/2/2022, Empagliflozin (thuốc điều trị đái tháo đường nhóm SGLT2i) được FDA phê duyệt chỉ định mới cho bệnh nhân suy tim phân suất tống máu bảo tồn (LVEF > 40%), có hoặc không mắc bệnh đái tháo đường, nhằm giảm tỉ lệ tử vong do tim mạch hoặc nhập viện.

Empagliflozin (biệt dược Jardiance) là thuốc ức chế SGLT2 được phê duyệt lần đầu vào năm 2014 để kiểm soát glucose ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường typ 2. Sau đó, thuốc được phê duyệt chỉ định giảm tử vong và nhập viện ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2 và bệnh tim mạch, cũng như cho bệnh nhân suy tim và phân suất tống máu thấp có hoặc không mắc đái tháo đường.

Chỉ định mở rộng của empagliflozin dựa trên thử nghiệm lâm sàng pha 3: 5988 bệnh nhân suy tim NYHA II – IV với phân suất tống máu bảo tồn được chỉ định ngẫu nhiên empagliflozin 10mg 1 lần/ngày hoặc giả dược bên cạnh liệu pháp điều trị thông thường. Tiêu chí chính là tử vong do các bệnh tim mạch hoặc nhập viện do suy tim.
Sau khoảng thời gian theo dõi trung vị 26,2 tháng, 13,8% bệnh nhân trong nhóm empagliflozin đã tử vong hoặc nhập viện do các bệnh tim mạch so với 17,1% bệnh nhân trong nhóm giả dược. Hiệu quả chủ yếu là giảm tỉ lệ nhập viện trong nhóm empagliflozin trên bệnh nhân mắc hoặc không mắc đái tháo đường typ 2.

Các tác dụng bất lợi của empagliflozin được ghi nhận phổ biến bao gồm hạ huyết áp, nhiễm khuẩn đường sinh dục và tiết niệu không phức tạp. FDA cảnh báo bệnh nhân đang lọc máu không nên sử dụng empagliflozin.

Nguồn tham khảo: http://hnhpa.com/linh-vuc/duoc-lam-sang

 

 

  1. Lưu ý khi sử dụng thuốc trên bệnh nhân xơ gan

             Xơ gan là hệ quả của các tổn thương mạn tính tại gan gây ra xơ hóa không thể phục hồi. Vì gan là nơi chuyển hóa thuốc chủ yếu nên các đặc điểm dược động học của thuốc có thể bị thay đổi ở bệnh nhân xơ gan. Khoảng 30% bệnh nhân xơ gan gặp phản ứng có hại của thuốc. Trong khi mức độ nghiêm trọng của bệnh gan có thể xác định dựa trên hệ thống tính điểm Child-Pugh nhưng không có xét nghiệm nào có thể xác định được liều lượng thuốc cần hiệu chỉnh ở bệnh nhân xơ gan. Hơn nữa, không có hướng dẫn dựa trên bằng chứng nào về việc sử dụng thuốc ở bệnh nhân xơ gan.

Thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp

Khi bệnh nhân tăng huyết áp bị xơ gan mất bù phát triển thành cổ trướng, huyết áp của họ có thể giảm dần theo thời gian. Vì lý do này, những bệnh nhân này nên được theo dõi chặt chẽ.

Nhóm thuốc Khuyến nghị
Thuốc ức chế men chuyển (ACEI) Thuốc ức chế men chuyển (ACEI) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB) nên tránh ở những người bị xơ gan mất bù vì nguy cơ suy thận. ACEI và ARB có thể được sử dụng cho bệnh nhân xơ gan còn bù; tuy nhiên, huyết áp nên được theo dõi thường xuyên.
Thuốc chẹn thụ thể angioten (ARB)
Thuốc lợi tiểu Liệu pháp lợi tiểu với spironolactone thường là lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân xơ gan và phù nề. Nếu đáp ứng không đầy đủ với spironolactone, thì có thể thêm furosemide hoặc thuốc lợi tiểu thiazide vào phác đồ nhưng cần theo dõi sát nguy cơ gây hôn mê gan do lợi tiểu nhanh.
Thuốc chẹn kênh canxi Thuốc chẹn kênh canxi (CCB) có thể được sử dụng, tuy nhiên, cần thận trọng để tránh sử dụng các CCB, chẳng hạn như verapamil, mà không điều chỉnh liều lượng. CCB nên được sử dụng ở liều thấp nhất có thể vì chúng được đào thải chủ yếu qua gan. Sự thanh thải ở gan giảm khi dùng nhiều thuốc hạ huyết áp có thể dẫn đến nồng độ thuốc ở mức quá liều điều trị.
Thuốc chẹn thụ thể beta không chọn lọc Các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đã chứng minh hiệu quả của các thuốc chẹn thụ thể beta không chọn lọc NSBBs (propranolol, nadolol, timolol, carvedilol) trong việc ngăn ngừa xuất huyết lần đầu và tái chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản ở bệnh nhân xơ gan. Bằng chứng gần đây chỉ ra rằng NSBBs có thể ngăn chặn tình trạng mất bù của gan ở những bệnh nhân xơ gan còn bù. Khuyến cáo không nên sử dụng NSBB với liều cố định. Thay vào đó, liều lượng nên được hiệu chỉnh theo từng cá thể dựa trên đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân.

 

Thuốc điều trị tiểu đường 

Nhóm thuốc Khuyến nghị
Insulin Insulin được coi là thuốc an toàn và hiệu quả nhất ở những bệnh nhân xơ gan bất kể tiến triển hay mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nhóm biguanid Metformin được coi là liệu pháp đầu tay ở bệnh nhân tiểu đường type 2. Trước đây, xơ gan có nguy cơ nhiễm acid lactic cao được coi là chống chỉ định. Tuy nhiên, một nghiên cứu thuần tập lớn cho thấy việc tiếp tục sử dụng metformin sau khi được chẩn đoán xơ gan đã cải thiện đáng kể tỷ lệ sống sót trong tất cả các giai đoạn của xơ gan, chứng tỏ metformin an toàn và được dung nạp tốt ở những bệnh nhân bị bệnh gan mất bù. Đặc biệt, metformin có tác dụng bảo vệ ở bệnh nhân xơ gan liên quan đến NASH – viêm gan nhiễm mỡ không do rượu. Tuy nhiên, metformin không nên chỉ định cho bệnh nhân xơ gan Child-Pugh C và suy thận nặng có nguy cơ nhiễm toan lactic.
Nhóm sulfonylurea Nên thận trọng khi dùng sulfonylurea cho bệnh nhân xơ gan. Sự kết hợp giữa giảm chuyển hóa ở gan và giảm liên kết protein với albumin do giảm albumin huyết làm tăng nguy cơ hạ đường huyết liên quan đến việc sử dụng các thuốc này. Nếu dùng cho bệnh nhân này, thì nên dùng sulfonylurea có thời gian bán hủy ngắn, như glipizide hoặc glyburide và nên bắt đầu dùng liều thấp. Tránh dùng sulfonylurea ở những bệnh nhân Child-Pugh C.
Dẫn xuất thiozolidine Các dẫn xuất thiozolidine giúp cải thiện tình trạng kháng insulin thông qua hoạt hóa PPARγ. Troglitazone và rosiglitadine đã bị ngừng sử dụng do các vấn đề nghiêm trọng như tổn thương gan và suy tim. Mặc dù hiệu quả của pioglitazone đã được xác định đối với bệnh viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (NASH), hiệu quả và độ an toàn đối với xơ gan liên quan đến NASH vẫn chưa được xác định. Tránh dùng pioglitazone ở những bệnh nhân có men gan > 3 lần mức ULN, bệnh nhân xơ gan Child-pugh B và C vì thuốc có thể gây phù. Pioglitazone có thể được sử dụng một cách thận trọng trên bệnh nhân Child-Pugh A.
Thuốc liên quan tới Incretin Không có dữ liệu quy mô lớn về chất ức chế DPP4 ở bệnh nhân xơ gan và tiểu đường, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng thuốc trên bệnh nhân xơ gan. Điều này cũng đúng dựa trên thực tế là thuốc có tác dụng ức chế biến cố tim mạch kém và nguy cơ phát triển bệnh viêm ruột.

Các chất chủ vận thụ thể peptide-1 (GLP-1) giống glucagon không được chuyển hóa chủ yếu qua gan, và có ít bằng chứng cho thấy nồng độ của các chất này bị thay đổi đáng kể ở bệnh nhân xơ gan. Do đó, chất chủ vận GLP-1 có thể được sử dụng mà không cần điều chỉnh liều lượng ở bệnh nhân xơ gan còn bù hoặc Child-Pugh A. Thận trọng khi sử dụng thuốc ở bệnh nhân Child-Pugh B, tránh dùng trên bệnh nhân Child-Pugh C do khan hiếm bằng chứng hỗ trợ việc sử dụng ở những bệnh nhân này.

Thuốc ức chế vận chuyển liên kết natri-glucose-2 Thông tin sản phẩm khuyến cáo không cần thiết phải thay đổi liều lượng trong trường hợp suy gan nhẹ đến trung bình; tuy nhiên, nên khởi đầu với liều thấp khi sử dụng thuốc.

 

Thuốc điều trị trào ngược

Nhóm thuốc Khuyến nghị
Thuốc ức chế bơm proton (PPI) Vì đặc tính dược động học của các PPI khác nhau, nên các thuốc ít bị ảnh hưởng bởi xơ gan được ưu tiên hơn. Trong số các PPI, esomeprazole được ưa chuộng ở bệnh nhân xơ gan vì nó cho thấy hiệu lực ức chế kém hơn so với lansoprazole, rabeprazole, pantoprazole và omeprazole.
Thuốc đối kháng thụ thể histamine-2 Famotidine là thuốc được ưu tiên sử dụng vì không cần điều chỉnh liều trong hình thành xơ gan, vì nó trải qua quá trình chuyển hóa lần đầu tối thiểu. Tránh dùng cimetidin do làm tăng nguy cơ bệnh não gan.

 

Thuốc giảm đau

Lựa chọn thuốc giảm đau phù hợp trên bệnh nhân xơ gan cần dựa trên dược động học và tác dụng phụ của thuốc được trình bày trong Bảng dưới đây.

Nhóm thuốc/

hoạt chất

Thay đổi về đáp ứng và
dược động học
Khuyến nghị
Thuốc giảm đau không thuộc nhóm opioid
Acetaminophen – Giảm dự trữ glutathion trong mô để ngăn chặn sự hình thành chất chuyển hóa độc tính của acetaminophen ở bệnh nhân xơ gan, do đó cần giảm ngưỡng liều của acetaminophen khi sử dụng hằng ngày nhằm đảm bảo an toàn.
– Thời gian bán thải của acetaminophen có thể kéo dài gấp 2 lần so với người khỏe mạnh.
– Acetaminophen dung nạp tốt đối với bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tiến triển hoặc xơ gan, không uống rượu, tổng liều hằng ngày không quá 2g/ngày.
– Nếu sử dụng thuốc trong thời gian ngắn hoặc một lần, có thể cân nhắc tổng liều tối đa của acetaminophen lên đến 4g/ngày trên bệnh nhân có nguy cơ thấp, không uống rượu và xơ gan còn bù giai đoạn sớm.
– Cảnh báo bệnh nhân khi sử dụng thuốc giảm đau kết hợp có thành phần acetaminophen (ví dụ tramadol-acetaminophen) và thuốc không kê đơn (OTC).
– Tránh sử dụng đối với bệnh nhân xơ gan và nghiện rượu, suy dinh dưỡng, đang sử dụng nhiều thuốc chuyển hóa tại gan hoặc những thuốc sử dụng đồng thời là thuốc cảm ứng enzyme gan.
Thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) bao gồm aspirin – Đã ghi nhận trường hợp tăng nguy cơ chảy máu dạ dày, xuất huyết giãn tĩnh mạch, suy giảm chức nặng thận, tiến triển cổ trướng kháng trị lợi tiểu khi sử dụng NSAIDs trên bệnh nhân xơ gan kèm tăng áp xuất tĩnh mạch cửa.
– Hầu hết NSAIDs chuyển hóa qua CYP và gắn kết cao với albumin huyết thanh, do đó làm tăng sinh khả dụng và độc tính của thuốc trên bệnh nhân xơ gan.
– Nên tránh sử dụng NSAIDs và aspirin trên bệnh nhân xơ gan.
– Có thể sử dụng các NSAIDs tại chỗ.
Thuốc ức chế chọn lọc COX-2 Chưa đủ dữ liệu để xác định độ an toàn của thuốc ức chế chọn lọc COX-2 trên bệnh nhân xơ gan. – Khuyến cáo không nên sử dụng thuốc chọn lọc COX-2 trên bệnh nhân xơ gan, trong khi chờ đợi những dữ liệu an toàn.

– Nếu sử dụng, thông tin sản phẩm celecoxib khuyến cáo giảm 50% liều cho xơ gan Child-Pugh B.

Thuốc giảm đau nhóm opioid
Fentanyl – Chuyển hóa bởi CYP3A4 thành dạng chất chuyển hóa mất hoạt tính (không độc tính).
– Có thể gây tích lũy thuốc trong trường hợp lặp lại liều hoặc sử dụng đường tiêm truyền liên tục do thuốc gắn kết protein và trong mô.
– Không cần chỉnh liều nếu dùng liều duy nhất.

– Đối với liều lặp lại, giảm liều 25 đến 50% liều.

– Giảm 1/2 liều nếu dùng miếng dán qua da.

Meperidin (pethidin), codein – Sinh khả dụng đường uống thay đổi và tăng nguy cơ tích lũy chất chuyển hóa trung gian hoặc chất chuyển hóa có độc tính.

– Không dự đoán được hiệu quả của thuốc giảm đau và tăng nguy cơ độc tính ở bệnh nhân xơ gan.

Tránh sử dụng
Morphin – Sinh khả dụng đường uống trên bệnh nhân xơ gan tăng lên so với người khỏe mạnh. Có sự thay đổi về sinh khả dụng trên từng cá thể.

– Thời gian bán thải có thể tăng lên gấp 2 lần.
– Tác dụng phụ do tích lũy chất chuyển hóa (ví dụ như ức chế hô hấp, dung nạp thuốc giảm đau, độc thần kinh) có thể xảy ra ở bệnh nhân xơ gan và suy thận.

– Giảm liều và tần suất sử dụng khoảng 50%

– Chỉnh liều từ từ để tránh tích lũy thuốc ở dạng hoạt tính.

– Tránh sử dụng trên bệnh nhân xơ gan hoặc suy thận.

Tramadol – Chuyển hóa qua gan để thành dạng hoạt tính bởi CYP3A4, CYP2D6 và liên hợp với acid glucuronic.

– Không dự đoán được thời điểm khởi phát tác dụng, hiệu quả giảm đau và nguy cơ tích lũy trên bệnh nhân xơ gan.

– Có thể tương tác với thuốc chủ vận serotonin, thuốc chống trầm cảm.

– Tránh sử dụng trên bệnh nhân xơ gan mất bù.

– Tránh sử dụng trên bệnh nhân có nguy cơ co giật.

– Thận trọng khi sử dụng trên bệnh nhân đang sử dụng các thuốc chống trầm cảm 3 vòng hoặc các thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc SSRI
– Dựa trên dữ liệu thử nghiệm còn hạn chế, liều 25 mg mỗi 8giờ hoặc 50mg mỗi 12 giờ có thể được cân nhắc để điều trị đau đối với bệnh nhân xơ gan còn bù.

Thuốc hỗ trợ giảm đau thần kinh
Thuốc chống co giật – Carbamazepin là chất cảm ứng enzyme gan và có liên quan đến độc tính trên gan, phản ứng dị ứng nguy hiểm đối với những cá thể có nguy cơ di truyền.
– Gabapentin và pregabalin không chuyển hóa qua gan
– Nên tránh sử dụng carbamazepin
– Gabapentin được coi là liệu pháp điều trị hàng đầu, đặc biệt cho những bệnh nhân bị đau thần kinh tọa. Đối với gabapentin, bắt đầu 300mg mỗi ngày và tăng từ từ trong nhiều tuần. Đối với pregabalin, bắt đầu uống liều 50mg đối với bệnh nhân có chức năng thận bình thường và tăng chậm qua các tuần. Hiệu chỉnh liều gabapentin và pregabalin trên bệnh nhân suy thận
Miếng dán tại chỗ Lidocain Hấp thu toàn thân thấp (3 đến 5%) trên da còn nguyên vẹn. Lựa chọn ưu tiên đối với việc giảm đau tại chỗ trên vùng da nguyên vẹn ở bệnh nhân xơ gan.

 

Việc kê đơn thuốc ở những bệnh nhân xơ gan là một thách thức. Không có xét nghiệm rõ ràng có thể xác định sự thay đổi chuyển hóa thuốc ở những bệnh nhân này. Thuốc nên được cá thể hóa tùy theo mức độ nặng của bệnh và đáp ứng trên lâm sàng của bệnh nhân.

Nguồn tham khảo: http://hnhpa.com/linh-vuc/duoc-lam-sang

  1. II. CẢNH GIÁC DƯỢC
  2. Không khuyến cáo sử dụng fluoroquinolon để điều trị viêm bàng quang cấp ở phụ nữ: Thông tin từ bản tin BIP số 1/2022 (Pháp)

Năm 2018, Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Pháp (SPILF) đã khuyến cáo không sử dụng fluoroquinolon để điều trị viêm bàng quang cấp ở phụ nữ. Cơ quan Y tế Quốc gia Pháp (HAS) cũng kết luận rằng nhóm kháng sinh này “không có đủ lợi ích” đối với chỉ định trên. Các thuốc bao gồm ciprofloxacin, levofloxacin, ofloxacin, lomefloxacin và norfloxacin. Quyết định này dựa trên cơ sở tình trạng kháng fluoroquinolon ngày càng phổ biến, trong khi thuốc có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng trên gân, cơ xương, gây rối loạn giấc ngủ, co giật, mê sảng, tăng xu hướng tự tử, v.v.

  1. MHRA: Pregabalin và kết luận từ nghiên cứu an toàn về nguy cơ trong thai kỳ

Một nghiên cứu mới chỉ ra pregabalin có thể làm tăng nhẹ nguy cơ dị dạng thai nhi nghiêm trọng nếu được sử dụng trong thai kỳ. Bệnh nhân nên tiếp tục sử dụng các biện pháp tránh thai có hiệu quả trong thời gian sử dụng thuốc và tránh sử dụng thuốc trong thai kỳ nếu không thực sự cần thiết.

Khuyến cáo cho nhân viên y tế

Một nghiên cứu quan sát bao gồm hơn 2.700 thai kỳ phơi nhiễm pregabalin cho thấy việc sử dụng thuốc trong 3 tháng đầu thai kỳ có liên quan đến việc tăng nhẹ nguy cơ dị dạng thai nhi nghiêm trọng, so với không phơi nhiễm thuốc chống động kinh hoặc phơi nhiễm lamotrigin hoặc duloxetin.

Tiếp tục tư vấn bệnh nhân đang sử dụng pregabalin về:

– Nguy cơ tiềm ẩn đối với thai nhi (tham khảo tờ thông tin cho bệnh nhân).

– Sự cần thiết phải sử dụng biện pháp tránh thai có hiệu quả trong thời gian sử dụng thuốc.

Tiếp tục tránh sử dụng pregabalin trong thai kỳ, trừ trường hợp thực sự cần thiết và lợi ích dành cho bệnh nhân vượt trội rõ ràng nguy cơ đối với thai nhi. Đảm bảo bệnh nhân hiểu rõ và đầy đủ về lợi ích và nguy cơ của thuốc, các phương án điều trị thay thế, và đảm bảo bệnh nhân có quyền quyết định.

Khuyến cáo bệnh nhân đang có dự định mang thai trong thời gian điều trị đến gặp bác sĩ để thảo luận về tình trạng sức khỏe và các thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng.

Trong trường hợp lợi ích vượt trội rõ ràng so với nguy cơ, và thực sự cần thiết phải sử dụng pregabalin trong thai kỳ, nên:

– Sử dụng liều tối thiểu có hiệu quả

– Báo cáo tất cả các phản ứng có hại nghi ngờ do thuốc, kể cả biến cố trên thai nhi

Nhắc nhở khi kê đơn thuốc chống động kinh

Khi bắt đầu điều trị, và trong các buổi tái khám bệnh nhân động kinh, thảo luận nguy cơ của các thuốc chống chống động kinh, nguy cơ nếu không điều trị động kinh trong thai kỳ và điều chỉnh phác đồ điều trị dựa trên lâm sàng và hoàn cảnh của bệnh nhân.

Nhanh chóng chuyển bệnh nhân đang có dự định mang thai hoặc nghi ngờ đang mang thai cho bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn về phác đồ điều trị động kinh.

Nếu bệnh nhân có dự định mang thai, tư vấn cho bệnh nhân sử dụng acid folic 5mg mỗi ngày trước khi mang thai.

III. THUỐC –MỸ PHẨM ĐÌNH CHỈ LƯU HÀNH

  1. Thu hồi thuốc lưu hành trên thị trường đối với các thuốc chứa hoạt chất chống chỉ định cho người châu Á

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có quyết định thu hồi giấy đăng ký lưu hành và thu hồi thuốc lưu hành trên thị trường đối với các thuốc chứa hoạt chất rosuvastatin 40mg, lý do là thuốc có chống chỉ định cho người châu Á. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/4/2022.

Được biết, thuốc chứa hoạt chất rosuvastatin 40 mg sử dụng cho bệnh nhân tăng cholesterol máu nặng và có nguy cơ cao về tim mạch. Tại Việt Nam hiện có 4 thuốc chứa hoạt chất rosuvastatin hàm lượng 40mg là:

  1. Rofast 40 (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin dưới dạng Rosuvastatin calci) 40mg; Viên nén bao phim; SĐK: VN-22058-19.
  2. Lipidorox 40mg (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin 40 mg); Viên nén bao phim; SĐK: VD-1507-06
  3. Crestor (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin calcium 40mg Rosuvastatin); Viên nén bao phim; SĐK: VN-8438-09
  4. Avitop 40 (hoạt chất, hàm lượng Rosuvastatin dưới dạng Rosuvastatin calci 40mg); Viên nén bao phim; SĐK: VN-19620-16./.

Nguồn: Cục Quản lý Dược

One thought on “BẢN TIN SỐ 1 – NĂM 2022 THÔNG TIN THUỐC

  1. sklep online says:

    Wow, amazing weblog structure! How lengthy have you ever
    been blogging for? you make running a blog glance easy.

    The total glance of your website is magnificent, as
    neatly as the content material! You can see similar here
    najlepszy sklep

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

0888877115
Liên hệ