Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là một bệnh ngày càng phổ biến ở Việt Nam do tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng và thói quen hút thuốc lá không đổi ở phần lớn người dân.
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (hay gọi tắt là COPD) một bệnh biểu hiện bởi sự giới hạn lưu lượng khí thở ra, sự giới hạn này không hồi phục hoàn toàn, thường xảy ra từ từ và phối hợp với một đáp ứng viêm bất thường của phổi đối với các phân tử khí độc hại. Tỉ lệ mắc và tử vong của bệnh tăng theo độ tuổi, thường gặp ở nam giới do tỉ lệ hút thuốc lá cao. COPD là nguyên nhân tử vong đứng hàng thứ 4 sau bệnh tim, ung thư, bệnh mạch máu não và dự kiến sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 3 trên toàn cầu vào năm 2030. Bệnh cũng là nguyên nhân nhập viện thường xuyên của phần lớn bệnh nhân đến khám tại BVĐK tỉnh Sóc Trăng, với hơn 1000 lượt bệnh mỗi năm.
Nguyên nhân hàng đầu của COPD là do tiếp xúc với khói thuốc lá (hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động). Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong nhà và ngoài trời, bụi và khói phát sinh trong quá trình sản xuất.
Bệnh có thể tiến triển ngày càng nặng và đe dọa mạng sống của bệnh nhân. triệu chứng của bệnh bao gồm: ho, tăng tiết đàm, khó thở, thở khò khè… Đợt cấp của bệnh thường là nguyên nhân khiến bệnh nhân phải nhập viện, với các biểu hiện: khó thở tăng dần, ho khạc đờm tăng, thay đổi màu sắc của đờm, có thể có đau ngực, sốt, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh, lo lắng, rối loạn ý thức do ứ đọng CO2… Nguyên nhân trực tiếp và thường gặp nhất chiếm đến hơn 80% trong đợt cấp là nhiễm trùng (COPD bội nhiễm), các đợt nhiễm trùng này có thể do virus hoặc vi khuẩn. Một số bệnh nhân ở giai đoạn nặng và nguy kịch, cần phải hỗ trợ hô hấp, thở máy và điều trị tại khoa hồi sức tích cực. Chẩn đoán bệnh dựa vào triệu chứng và kết quả xét nghiệm, trong đó quan trọng nhất là X quang ngực và đo chức năng hô hấp. Hiện nay, đo chức năng hô hấp đã được triển khai tại khoa Nội 2, BVĐK tỉnh Sóc Trăng, giúp cho việc theo dõi tiến triển của bệnh và đáp ứng điều trị của bệnh hiệu quả hơn. Đo chức năng hô hấp xác định giới hạn luồng không khí, định lượng mức độ nặng và khả năng hồi phục, và để phân biệt COPD với các rối loạn khác.
COPD có thể gây ra các biến chứng như: tràn khí màng phổi, suy tim (tâm phế mạn),… COPD không thể chữa khỏi, nhưng điều trị có thể làm giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nguy cơ tử vong. Điều trị chủ yếu là loại bỏ các yếu tố nguy cơ như cai thuốc lá và sử dụng các thuốc giãn phế quản, corticoid.
Bất chấp đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu, COPD vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Do đó, để phòng ngừa và điều trị COPD hiệu quả, chúng ta cần: ngừng hút thuốc lá, ăn uống lành mạnh, tránh ô nhiễm không khí hoặc tiếp xúc với nghề nghiệp, tập thể dục thường xuyên để phục hồi chức năng phổi, tiêm phòng các loại vắc xin quan trọng, khám sức khỏe định kỳ và tuân thủ điều trị!
KHOA NỘI 2 – BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH SÓC TRĂNG
Tin cùng chuyên mục:
DANH SÁCH NGƯỜI THỰC HÀNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH SÓC TRĂNG
LỊCH TRỰC TUẦN TỪ NGÀY 18/11/2024 ĐẾN HẾT NGÀY 24/11/2024
QUYẾT ĐỊNH Số 1261/QĐ-BVĐK ngày 15/11/2024 về việc hủy kết quả trúng tuyển
THÔNG BÁO Số 350/TB-BVĐK ngày 13/11/2024 về việc chào giá cung cấp hàng hóa, dịch vụ