1. VIÊM AMYĐAN LÀ GÌ
Viêm amyđan là bệnh thường gặp trong các bệnh lý tai – mũi – họng ở trẻ em, người trưởng thành cũng mắc nhưng ít hơn. Đặc biệt bệnh thường tái đi tái lại, dễ biến chứng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và thời gian học tập của trẻ.
Amyđan là những tế bào lympho để bảo vệ cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Amyđan cũng là nơi sản xuất kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch. Amyđan có vai trò bảo vệ cơ thể, chỉ nên cắt khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
2. YẾU TỐ THUẬN LỢI
– Thời tiết thay đổi đột ngột (lạnh đột ngột, độ ẩm cao…)
– Ô nhiễm môi trường do bụi, không khí…
– Vệ sinh kém
– Sức đề kháng kém, cơ địa dị ứng
– Có các ổ viêm nhiễm ở họng, miệng: sâu răng, viêm nướu, viêm xoang…
– Do đặc điểm cấu trúc amyđan có nhiều hốc, kẽ, nghách là nơi cứ trú và phát triển cho vi khuẩn
3. NGUYÊN NHÂN
– Vi khuẩn: liên cầu β tan huyết nhóm A, S.pneu hemophilis, tụ cầu, liên cầu…
– Virus: cúm, sởi, ho gà…
4. DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VIÊM AMYĐAN
4.1. Viêm amyđan cấp tính
– Sốt 38 0 C – 39 0 C
– Người mệt mỏi, đau đầu, chán ăn
– Cảm giác nóng rát, khô họng: lưỡi trắng, miệng khô, niêm mạc họng đỏ
– Đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên khi nuốt, khi ho
– Viêm nhiễm có thể lan xuống thanh quản, khí quản gây ho từng cơn, đau và có đờm nhầy, giọng khan nhẹ.
4.2. Viêm amyđan mạn tính
– Triệu chứng nghèo nàn, có những đợt tái phát với triệu chứng giống như viêm amyđan cấp
– Nuốt vướng đau như có dị vật, đau lan lên tai
– Hơi thở có mùi mặc dù vệ sinh răng miệng thường xuyên
– Thỉnh thoảng có ho, khàn tiếng
– Amygdales sưng to có nhiều khe hốc, các khe hốc phủ một lớp mủ trắng
– Cũng có lúc amyđan teo nhỏ (thể xơ teo) thường gặp ở người lớn
– Phản ứng phụ gây hại toàn cơ thể: Khi bị viêm amyđan, các chất dịch tiết ra và đi xuống dạ dày, từ đó các độc tố tiết ra được hấp thụ và gây phản ứng phụ toàn thân như: sốt, khó tiêu hóa, chán ăn, mệt mỏi, sút cân, đau đầu và một số triệu chứng khác.
5. BIẾN CHỨNG
– Áp xe quanh amyđan
– Viêm loét thành bên họng
– Viêm tấy quanh amyđan
– Viêm họng mạn
– Viêm mũi xoang
– Viêm thanh, khí, phế quản, viêm tai giữa
– Viêm khớp
-Viêm thận
– Viêm cơ tim
– Nhiễm trùng huyết…
6. KHI NÀO NÊN CẮT AMYĐAN?
Không ít trường hợp thấy con bị viêm amyđan vài lần là cha mẹ đến bác sĩ đòi cắt để khỏi bị viêm. Quan niệm này sai lầm hoàn toàn. Khi bị viêm amyđan người bệnh cần đến bệnh viện để được các bác sĩ chuyên khoa điều trị đúng cách hoặc chỉ định cắt amyđan nếu cần thiết. Chỉ cắt amyđan trong các trường hợp sau:
– Amyđan viêm mạn tính nhiều lần (thường 5 – 6 lần/năm)
– Amyđan viêm mạn tính gây biến chứng viêm tấy, áp xe quanh amyđan …
– Amyđan viêm mạn tính gây biến chứng viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi…
– Amyđan viêm mạn tính gây biến chứng xa: viêm màng tim, viêm cầu thận, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn huyết
– Amyđan viêm mạn tính quá phát gây khó thở, khó nuốt, khó nói
– Ngoài ra, amyđan còn được chỉ định cắt khi có nhiều ngóc ngách chứa nhiều chất tiết gây hôi miệng, nuốt vướng hoặc nghi ngờ ác tính.
Sau phẫu thuật phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng. Sau cắt amyđan nếu có chảy máu, cần đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra và xử trí kịp thời.
Lưu ý: Người quá yếu, trẻ quá nhỏ, người lớn trên 50 tuổi hoặc có các bệnh khác kèm theo như: tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch… nên hạn chế cắt amyđan.
Cắt amyđan có thể gây biến chứng tử vong do nhiều nguyên nhân: gây mê, cắt không đúng kỹ thuật (cắt chạm mạch máu gây chảy máu, không cầm được), bệnh nhân có rối loạn đông máu. Chính vì vậy mà trước khi cắt, bệnh nhân phải được làm các xét nghiệm rất kỹ về các chức năng gan, thận và đông máu để tránh những tai biến đáng tiếc xảy ra. Nếu có chỉ định, bệnh nhân nên phẫu thuật tại các bệnh viện có chuyên khoa tai mũi họng, không nên đến phẫu thuật ở phòng mạch tư, rất dễ gặp sự cố.
Hiện nay, khoa Tai Mũi Họng BVĐK tỉnh Sóc Trăng đang triển khai kỹ thuật cắt amyđan bằng dao điện với tỷ lệ thành công cao, ít chảy máu, rút ngắn thời gian điều trị và chăm sóc.
Nguồn.
1. Quy trình kỹ thuật Tai Mũi Họng – BVĐK Sóc Trăng
2. Sức khỏe đời sống online: https://suckhoedoisong.vn/khi-nao-nen-cat-amidan-n157286.html
Tin cùng chuyên mục:
DANH SÁCH NGƯỜI THỰC HÀNH KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA TỈNH SÓC TRĂNG
LỊCH TRỰC TUẦN TỪ NGÀY 18/11/2024 ĐẾN HẾT NGÀY 24/11/2024
QUYẾT ĐỊNH Số 1261/QĐ-BVĐK ngày 15/11/2024 về việc hủy kết quả trúng tuyển
THÔNG BÁO Số 350/TB-BVĐK ngày 13/11/2024 về việc chào giá cung cấp hàng hóa, dịch vụ